Qua hoạt động giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy các đối tượng được thụ hưởng các chính sách đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.
Qua báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh và giám sát trực tiếp tại cơ sở việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, ngày 07/8/2009, cho thấy, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được tổ chức thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, phát huy hiệu quả. Nhìn chung, công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ được tổ chức công khai, có sự giám sát của cơ quan chức năng, không gây thất thoát.
Mức hỗ trợ tuy ít, song đã giúp cho các hộ nghèo có thêm điều kiện đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đã giám sát về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua giám sát cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Ban Chỉ đạo Xây dựng nhà ở 167 giai đoạn II và tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo được thành lập từ tỉnh, huyện đến xã để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các ban chỉ đạo có tổ chức kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, do vậy, các địa phương thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định. UBND các xã đã tổ chức rà soát các đối tượng thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu vay vốn hỗ trợ làm nhà ở.
Các tổ chức, đoàn thể được ủy thác vay vốn đã chủ động giúp đỡ người dân hoàn thiện các thủ tục vay vốn cần thiết. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn này trong nhân dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã phê duyệt làm 5.939 nhà ở cho hộ nghèo; trong đó, số nhà là người dân tộc thiểu số có 3.825 nhà (chiếm 64,4% tổng số nhà được phê duyệt).
Giám sát các chương trình tín dụng, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã giám sát hoạt động cho vay ưu đãi như: chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; chính sách cho vay giải quyết việc làm; vốn vay hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn...
Qua giám sát cho thấy, đa số hộ nghèo được vay vốn đã sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân được các cấp chú trọng, nên người dân đã sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.
Nhờ các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho nhiều hộ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, đó là: Chính phủ có nhiều chương trình cho vay ưu đãi cho hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, nguồn vốn do Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay thường chậm và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Một số chương trình tín dụng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, nhiều món vay khó có khả năng thu hồi nhưng chưa có giải pháp khắc phục thích hợp. Một số xã chưa quan tâm đến công tác nghiệm thu, báo cáo tiến độ, bàn giao và báo cáo với NHCSXH huyện để giải ngân. Công tác hỗ trợ hộ gia đình làm hồ sơ vay vốn của một số tổ chức, đoàn thể chưa kịp thời, dẫn đến một số hộ đã làm xong nhà nhưng thủ tục trình NHCSXH để giải ngân chưa được tổ chức ủy thác hoàn thiện.
Công tác rà soát, phê duyệt hộ nghèo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn sai thông tin cá nhân. Công tác phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi còn chậm; do đó, tiến độ giải ngân các chương trình vốn tín dụng cho vay ưu đãi bị chậm theo. Một bộ phận hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, có nhiều hộ đã thoát được nghèo nhưng thiếu bền vững...
Qua đó, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị, đề nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm bổ sung Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm để tạo nguồn vốn cho vay đối với người lao động chưa có việc làm còn lớn. Đồng thời, đề nghị với UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành, địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, phê duyệt hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng hưởng chính sách đảm bảo chính xác, kịp thời phục vụ tốt cho chi trả các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm khi có vi phạm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Để hoạt động giám sát phát huy tốt hiệu quả, bà Triệu Thị Bình - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: "Ban Dân tộc HĐND tỉnh thường áp dụng hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó mới tiến hành giám sát tại các sở, ban, ngành liên quan. Do vậy, các thành viên đoàn giám sát sẽ có cái nhìn toàn diện và phân tích một cách sâu sắc hơn. Ngoài ra, các thành viên đoàn giám sát sẽ chủ động nghiên cứu thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thu thập thông tin thông qua tiếp xúc cử tri và nhiều kênh khác nhau để có những đánh giá, kết luận chính xác, khách quan".
Thời gian tới, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, khảo sát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của Ban nhằm nâng cao chất lượng trong công tác giám sát của HĐND.
Đức Toàn