Cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/4/2018 | 2:09:35 PM

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến.

 Phê bình các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 do Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực chậm được khắc phục như công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông... một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay...

Chính phủ đánh giá những tồn tại, hạn chế này đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.

Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: Không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện...

Một số nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế được chỉ ra do tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động tiêu cực từ tình hình thế giới đối với sản xuất kinh doanh trong nước; quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, khoa học công nghệ còn lạc hậu, năng lực nguồn nhân lực còn hạn chế, năng suất lao động xã hội thấp.

Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa tốt, chưa gương mẫu, quyết liệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nói không đi đôi với làm, nên kết quả còn hạn chế.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung thể hiện trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu băn khoăn, báo cáo của Chính phủ cần phải bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó phạm vi điều chỉnh của Luật nêu rõ về 3 lĩnh vực: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, kết cấu báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội lại không theo các lĩnh vực Luật quy định.

Những vấn đề báo cáo nêu như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ... không phải là không đúng, nhưng báo cáo cần tập trung làm rõ những lĩnh vực trọng tâm mà Luật đã xác định - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập tới tính kỷ luật trong xây dựng báo cáo này.

Theo phụ lục kèm báo cáo cho thấy rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có báo cáo gửi về Chính phủ hoặc chưa có Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng của Báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị báo cáo cần cập nhật các số liệu và có số liệu so sánh giữa các năm để thấy được sự tiến bộ hay không tiến bộ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Báo cáo cũng chưa đề cập được bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt công tác này, cần phê bình xử lý trách nhiệm; những bộ, ngành, địa phương làm tốt cần được biểu dương... 

Cơ bản đồng ý với các giải pháp, nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, làm quyết liệt hơn, cương quyết hơn và xử lý nghiêm túc hơn; cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí để dư luận lên án; đồng thời biểu dương các hành động thiết thực đã làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy còn những hạn chế, song đã có nhiều tiến bộ hơn với năm 2016. Việc chấp hành nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc hơn, có nhiều cố gắng, kể cả việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu: Năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, phát hiện nhiều vụ việc sai phạm để chấn chỉnh. Đặc biệt, biểu dương một số bộ, ngành có bước tiến hết sức tích cực và đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong sử dụng tài sản công, tài chính công, trong sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, vẫn còn lãng phí về thời gian, lao động diễn ra ở các mức độ khác nhau.

"Việc tổ chức thực hiện còn chậm, ý thức trách nhiệm của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa thực sự nghiêm túc. Đề nghị làm rõ địa chỉ trách nhiệm,” Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội điều chỉnh lại số liệu để sát, đúng với tình hình năm 2017, không lấy số liệu năm 2016; hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ, nghiêm túc. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo. "Đây cũng là giám sát của Quốc hội về việc chấp hành luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cho nên, không có báo cáo có nghĩa chưa chấp hành nghiêm”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

* Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định 
   
Tại phiên họp UBTVQH sáng nay 12-4, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo số 100/BC-CP ngày 05/4/2018 về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017.  

Theo đó, thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định là một  trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và giám sát của người dân, cộng đồng dân cư đối với hoạt động đầu tư công.

Một mục tiêu khá quyết liệt khác được nêu rõ trong Báo cáo nêu trên là việc cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

Đồng thời, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, cả nước phấn đấu thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%; giảm tổn thất điện cả năm xuống còn 7,2%.

Trước đó, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp được nhận định là "chưa đầy đủ, kịp thời; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo”...

Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2017, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành trong cả nước đã phát hiện và xử lý vi phạm về đất đai 17.586ha đất; thu hồi trên 175 tỷ đồng; xử lý hành chính 238 tập thể, 944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 49 đối tượng.

Trong sử dụng nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa quản lý; tinh giản biên chế hành chính. Dừng việc giao bổ sung biên chế, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ… Đây được coi là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tiến hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bởi kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính về công tác quản lý ngân sách nhà nước cũng phát hiện một số địa phương giao biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo vượt định mức (An Giang vượt 99 người; Lâm Đồng vượt 63 người).

Một số địa phương có tình trạng quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (như Tuyên Quang 22,5 tỷ đồng; Lâm Đồng 293,8 tỷ đồng…); chi ngân sách tạm ứng, ứng trước ngoài dự toán chậm thu hồi; nợ xây dựng cơ bản, sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tình trạng chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.
 
 (Theo TTXVN - SGGP)

Các tin khác
Lãnh đạo Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường trao đổi với cán bộ, giáo viên các khoa học về nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

YBĐT - Ngày 15/4/1978, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Trường Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay là Trường Quân sự tỉnh Yên Bái. Đến nay, nhiều học viên, học sinh thiếu sinh quân của nhà trường đã trưởng thành và đảm nhận trách nhiệm người đứng đầu của nhiều cơ quan, đơn vị trong quân đội và địa phương, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh địa phương.

YBĐT - Ngày 12/4, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban Khối các cơ quan nội chính đánh giá kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2018. Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh phát biểu tại hội nghị.

YBĐT - Ngày 11/4, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách tư pháp tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

YBĐT – Ngày 11/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý II năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục