Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay

Bài 1: Nhận diện “căn bệnh nan y”

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/5/2018 | 1:48:20 PM

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của công việc”; "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực tiễn công tác tổ chức cán bộ hiện nay đang đặt ra đòi hỏi cấp bách phải khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, sử dụng cán bộ.

Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay
Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay


"Chạy chức, chạy quyền” đang được so ví như căn bệnh nan y tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín của Đảng và đội ngũ CB, ĐV; giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ XHCN. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền. Nhận diện căn bệnh nan y này và tìm giải pháp chữa trị nó là một đòi hỏi cấp thiết.

"Chạy chức, chạy quyền": Ngày càng tinh vi, phức tạp

Trong tiếng Việt, chữ "chạy” là động từ, nó có tới hơn 40 nghĩa. Khi đứng riêng, nó có hơn 10 nghĩa, chỉ hành động thể hiện sự tích cực của con người. Nhưng ở góc độ quan hệ lợi ích xã hội, "chạy chọt" nghĩa là cầu cạnh để xin xỏ việc gì đó mang ý nghĩa tiêu cực.

Năm 1947, trong thư gửi các đồng chí ở Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình, yêu cầu phải kiểm thảo những người ..."còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ", đem bà con... đặt vào chức này việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con... có địa vị”.

Xa hơn nữa, cách đây hơn 500 năm, (năm 1486), vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu ban lệnh về Luật hồi tỵ (hồi tỵ là tránh đi) nhằm giảm thiểu tính cá nhân và gia đình chủ nghĩa, cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh trong lựa chọn và sử dụng quan lại. Luật hồi tỵ quy định: Không được bổ nhiệm quan lại là người địa phương, nơi có nhiều bà con ở đó và càng không được bổ nhiệm con cháu làm quan ở cùng địa hạt do mình phụ trách.

Từ xa xưa đến nay, việc "chạy chức, chạy quyền” vẫn lén lút tồn tại qua nhiều chế độ xã hội. Song trong giai đoạn hiện nay, "chạy chức, chạy quyền” có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp. Tra cụm từ "chạy chức, chạy quyền” trên google.com, lập tức cho ra hơn 2,2 triệu kết quả, đủ cho thấy dư luận xã hội rất quan tâm vấn đề này.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, cộng với nhiều hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, dẫn đến tình trạng "chạy chức, chạy quyền” diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, gây bức xúc dư luận.

Căn bệnh ấy đã được nhắc đến nhiều song tới nay vẫn chưa khái quát đầy đủ, nhận diện tỏ tường để có giải pháp phòng, chống hữu hiệu. Trong khi đó, vấn nạn này phát triển mau lẹ cả về nội dung, lẫn hình hài, phương thức; trở nên tinh vi và phức tạp rất nhiều so với trước đây. Thậm chí, nó còn có nhiều biến thể mới, khó có thể phát hiện, nhận diện trong cuộc sống đời thường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lo ngại và bày tỏ trăn trở tại Hội nghị toàn quốc ngành Xây dựng Đảng năm 2017: "Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền" một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?...”.

Nhận diện bệnh "chạy”

Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại "chạy": "Chạy chức" trước khi bầu cử; "chạy quyền" trước khi phân công công tác; "chạy lợi" trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; "chạy chỗ" trước khi bổ nhiệm; "chạy tội" trước khi điều tra, xét xử. Đáng bàn hơn, là cán bộ không chỉ "chạy" cho bản thân mình mà còn "chạy" cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cấp dưới...

Nếu như trước đây việc "chạy chức, chạy quyền” thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng; thì nay, việc "chạy" diễn ra phổ biến hơn, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản.

Đôi năm trước đây thôi, ít ai có thể hình dung được chân dung thật của một cán bộ "quyền cao, chức trọng” Trịnh Xuân Thanh. Còn đến nay, sự thật được phơi bày, con đường đến với chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong quy hoạch, không đúng quy trình công tác cán bộ, mà là sự "gửi gắm”...? Điều đáng nói ở đây là không thể một mình Trịnh Xuân Thanh có thể vung tay che lấp lưới trời pháp luật; bịt kín mọi dư luận và sự kiểm tra, giám sát trong Đảng, trong dân. Sự thật đáng buồn là, có những người đã "kéo từ phía trên, đẩy từ phía dưới” để đối tượng này thăng quan, tiến chức một cách thần kỳ. Đáng buồn nữa là có nhiều người biết tường, hiểu rõ sự việc, nhưng "mũ ni che tai”, "tránh voi chẳng xấu mặt nào” nên không đấu tranh, bỏ mặc cho con sâu "chạy chức, chạy quyền” khoáy đục "nồi canh” của tổ chức.

Vụ việc ở Thanh Hóa gây nhức nhối dư luận gắn với "hotgirl” Trần Vũ Quỳnh Anh ban đầu cơ quan chức năng địa phương khẳng định đúng quy trình, nhưng sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận thì lộ rõ việc "chạy”, nâng đỡ không trong sáng để nhân vật này thăng tiến thần tốc từ nhân viên tạp vụ thành phó trưởng phòng, trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh phó giám đốc sở; kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.

"Chạy chức chạy quyền" đã diễn biến tinh vi ở nhiều cấp, nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương. Người ta không chỉ "chạy" bằng vật chất mà bằng các hình thức phi vật chất, thậm chí bằng cách trao đổi, hợp thương: Anh giúp tôi "chạy chức" này, tôi giúp anh "chạy" vị trí kia, hoặc "chạy" dự án nọ...

Các chuyên gia tổ chức cán bộ cho rằng, "chạy chức chạy quyền" thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực, là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Hình thức "chạy" rất đa dạng: "Chạy" để chưa có chức thành có chức, "chạy" từ vị trí thấp lên vị trí cao, "chạy" từ nơi có lợi ích bổng lộc ít lên nơi có nhiều; "chạy" để "hạ cánh an toàn”, "chạy" biên chế, "chạy" ghế, "chạy" bằng cấp, "chạy" thành tích; "chạy" để vào cấp ủy; "chạy" tuổi để kéo dài thời gian công tác, bổ nhiệm; "chạy" tội để không bị kỷ luật, giữ ghế…

"Chạy" không chỉ là câu chuyện cá nhân mà đã biến tướng, biến thể, hình thành các nhóm lợi ích, các đường dây mua quan, bán tước, hình thành các gia đình quan chức-gia đình trị... Khi cơ quan pháp luật điều tra các vụ án ở Bộ Công Thương và vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, có tình tiết về hàng loạt nhân sự đã được bổ nhiệm, điều động một cách bất thường, không đủ tiêu chuẩn để hình thành những ê kíp, sau đó trở thành đường dây tham nhũng.

Nạn "chạy" nguy hiểm còn ở chỗ nó trở thành "chuyện thường ngày ở huyện”, thậm chí ở xã. Ai cũng toan lo, ái ngại, trách oán về một thực tế "chạy”, nhưng ít ai dám đứng lên đấu tranh, vạch mặt vấn nạn đó. Thậm chí, người dân còn khuyên bảo nhau: "Thời này nó thế”, "không có bôi trơn thì không thông”, "không có tiền làm sao có quyền”... Đó là một môi trường bị vấy bẩn từng bước, tạo điều kiện cho nạn "chạy chức, chạy quyền” ngấm ngầm lây lan trong hệ thống chính trị và xã hội, trở thành ung nhọt tai biến trong Đảng và bộ máy công quyền.

Từ tham nhũng quyền lực tới tha hóa quyền lực

Những kỳ đại hội toàn quốc gần đây, Đảng thẳng thắn bắt bệnh thực trạng "chạy chức, chạy quyền” và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt chấn chỉnh. Nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII, việc xử lý và ngăn chặn tình trạng "chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm người nhà, người thân càng được tiến hành quyết liệt, hiệu quả hơn. Bằng chứng là hàng loạt các vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra và làm rõ, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm họ hàng, người thân và ban phát chức quyền ở hàng chục địa phương và nhiều ban, bộ, ngành Trung ương.

Thế nhưng, kết quả xem ra chưa được như mong muốn. Trên thực tế, vấn nạn "chạy chức, chạy quyền” vẫn diễn ra âm thầm, phức tạp, tinh vi. Hơn thế, bản thân chức quyền có sự cám dỗ rất lớn. Chiếc ghế quyền lực hấp dẫn bằng các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Những kẻ hám quyền sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, sẵn sàng làm những việc trái luân thường đạo lý và lương tâm dù phải đánh đổi bằng nhân cách, uy tín.

Bệnh "chạy" không chỉ là bạn đồng hành của tham nhũng quyền lực mà còn làm biến tướng, tầm thường hóa công tác tổ chức cán bộ của Đảng, vô hiệu hóa vai trò tổ chức Đảng cũng như nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Nó lũng đoạn, mua chuộc, tha hóa người đứng đầu. Nó thiêu đốt, giết chết niềm tin, cơ hội phấn đấu, tiến bộ của những cán bộ chân chính. Nó làm mất niềm tin vào tổ chức Đảng, vào "cái gốc của công việc”.

Với những kẻ "chạy” thành công, từ việc leo lên đỉnh cao quyền lực quá dễ dàng, họ không có được đức, tài cần thiết nên dễ lộng quyền, coi thường tổ chức, coi thường cấp ủy, coi thường nhân dân, cơ quan, đồng nghiệp. Từ đó, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Đảng; làm cho tổ chức Đảng yếu kém, mất sức chiến đấu, hình thành những "ông giời con” ở cơ sở, tự kiêu, tự đại, tự mãn. Nó cũng là nguyên nhân làm nảy sinh "tự diễn biến” ở nhiều đối tượng trong Đảng. Một bộ phận tự đắc, ỷ lại, trịch thượng, phát triển đột biến mà không cần phấn đấu, cố gắng; bộ phận còn lại (số đông), xuất hiện tư tưởng chán nản, nhụt ý chí phấn đấu, thiếu niềm tin vào tổ chức Đảng. Theo nhiều cựu chiến binh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, vi phạm của cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là lên đỉnh cao quyền lực quá nhanh, dẫn tới tự cao, tự đại, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo, của công bộc của dân.

"Chạy chức, chạy quyền" dẫn đến tha hóa quyền lực trong mỗi cá nhân và xa hơn là sự tha hóa đối với cả tổ chức Đảng và hệ thống chính trị. Chúng ta cần nghiên cứu bài học đau xót khi Liên Xô sụp đổ. Trong tác phẩm "Bí ẩn diệt vong của Liên Xô-Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945-1991", tác giả A.Seviakin cho rằng, sai lầm về công tác cán bộ thực chất là xóa nhòa ý thức hệ tư tưởng, tạo ra cuộc "diễn biến hòa bình” ngay trong lòng xã hội Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô là đòn đánh gục chế độ XHCN. Họ đã tạo ra một lớp lãnh đạo cấp cao là những người "tắm” trong xa hoa nhung lụa trong khi không ít người dân Liên Xô còn khó khăn. Có lúc, con cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được vào học tại những trường đại học uy tín nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các ban, ngành quan trọng, nhanh chóng được nắm giữ những cương vị quan trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành "lá bùa hộ mệnh” để cán bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở.

Chống "chạy”-mệnh lệnh cuộc sống

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng trăn trở rằng, chỉ khi trả lời được câu hỏi "Ai chạy? Chạy ai?” thì mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi từng bước vấn nạn này.

"Ai chạy? Chạy ai?” là câu hỏi không dễ trả lời. Trên thực tế, phần đông cán bộ, đảng viên, quần chúng đều mong muốn tìm ra đáp án cho câu hỏi ấy? Thế nhưng, việc "chạy” thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Không ai "chạy” xong việc, rồi đi tố giác người được "chạy”. Cho nên, phòng, chống "chạy chức, chạy quyền” gặp rất nhiều khó khăn, rào cản và không thể một sớm, một chiều giải quyết được.

Đảng cần, dân mong những người thật sự có tài, có đức và uy tín, xứng đáng có mặt trong bộ máy công quyền, thực sự là người đại diện cho quyền lực mà nhân dân trao gửi. Muôn việc thành công hay thất bại xét cho cùng đều do công tác cán bộ như lời Bác dạy. Vì vậy, để cái gốc của công việc được tốt, việc đẩy lùi nạn "chạy chức, chạy quyền", tha hóa quyền lực phải là một nhiệm vụ hàng đầu, là mệnh lệnh mà cuộc sống đặt ra đối với Đảng và hệ thống chính trị hiện nay!
 
(Theo QĐND)

Các tin khác

YBĐT - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 3/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đinh Đăng Luận – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn cùng đại biểu Triệu Thị Huyền – ĐBQH tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri phường Cầu Thia, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.

Ảnh minh họa

Từ nay đến cuối năm 2020, đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 50% tổng số các chi cục thuế hiện có trong toàn ngành. Cụ thể, năm 2018 thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thuộc 63 cục thuế thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục).

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII tập trung thảo luận về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt cấp chiến lược.

Công cuộc đổi mới đang cấp bách đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ tương xứng. Do đó, phải xác lập một cơ chế tuyển chọn phù hợp.

Nhiệm kỳ 2013 - 2018, nhiều chương trình phúc lợi đã được Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp thực hiện mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động. (Trong ảnh: Công ty TNHH Hòa Bình bảo dưỡng xe máy miễn phí cho người lao động).

YBĐT - Từ ngày 4-5/5/2018, Đại hội công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ diễn ra. Nhiệm kỳ qua, Công đoàn tỉnh Yên Bái đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục