Để chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát hiệu quả quyền lực hiện nay, cùng với Hiến pháp và pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của nhân dân cũng sẽ tạo ra "chiếc phanh" cơ chế, "cái lồng" kiểm soát hiệu quả…
Kiểm soát quyền lực Nhà nước là yêu cầu tất yếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây cũng là nguyên tắc được hiến định tại Điều 2, Hiến pháp năm 2013: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Kiểm soát quyền lực là phạm trù có khái niệm rộng, là vấn đề tất yếu, ở các mô hình tổ chức nhà nước đều có cách kiểm soát riêng xoay quanh giải quyết quan hệ giữa các bộ phận lập pháp, hành pháp, tư pháp. Riêng đối với nước ta, kiểm soát quyền lực được đặt trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” mà Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã xác định và đến nay được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Kiểm soát quyền lực đặt trong cơ chế đó để giải quyết ba mối quan hệ chính trị cơ bản nhất giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mọi hành động kiểm soát, xét cho cùng để thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Để nhân dân làm chủ, mọi việc của dân, do dân, vì dân. Nạn chạy chức, chạy quyền, tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng lý do cốt lõi chính vì lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực.
Đối với một đảng chính trị cầm quyền, nguy cơ tha hóa quyền lực thời bình là rất lớn. V.I.Lênin từng nhận thấy rằng, sau ba năm cầm quyền (1917-1920), quyền lực trong đảng ngày càng có xu hướng tha hóa, khiến ông trăn trở, đi sâu tìm kiếm các biện pháp khắc phục.
Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XII của Đảng đề cập một quan điểm mới mẻ: "Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Trên tinh thần đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng xác định: "Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”.
Quan điểm đó được hình thành trên cơ sở Đảng ta nhận định: "Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm hoàn thiện, còn nhiều sơ hở”. Tại một hội nghị về công tác cán bộ gần đây, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận xét: "Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua chúng ta không đủ đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, có hiện tượng biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hóa, đồng thời công khai, minh bạch. Nếu để một vài người sử dụng quyền lực thì sẽ tha hóa”.
Xây "cái lồng" kiểm soát, tạo "chiếc phanh" cơ chế
Như trên đã trình bày, quyền lực chính trị ở nước ta xoay quanh ba mối quan hệ chính trị cơ bản: Đảng, Nhà nước và nhân dân nên khi bàn về kiểm soát quyền lực cũng là bàn về ý chí và hành động của ba chủ thể này.
Trong đó, Nhà nước phải thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực thông qua xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật. Ở đây, Quốc hội vừa là cơ quan lập pháp, vừa là cơ quan giám sát tối cao mọi vấn đề của đất nước. Khi Quốc hội phát huy tốt vai trò của mình thì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ được tổ chức thông qua bầu cử dân chủ, lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất của nhân dân. Đây được coi là hình thức kiểm soát quyền lực Nhà nước quan trọng nhất.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cách thức tổ chức bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cũng như đại biểu Quốc hội ở nước ta bên cạnh mặt tích cực cũng bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần được đổi mới hơn nữa; xác lập được mô hình dân chủ đại diện sao cho sát thực hơn với nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Bầu cử phải thực sự dân chủ, không hình thức, phải dựa vào nhân dân, xuất phát từ nhân dân, coi trọng sự tín nhiệm của nhân dân để ý Đảng và lòng dân hòa quyện với nhau.
Kiểm soát quyền lực Nhà nước còn bao hàm ở việc xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật sao cho thật sự là Nhà nước pháp quyền XHCN, như điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tâm nguyện: "Muôn điều phải có thần linh pháp quyền”.
Theo Hiến pháp hiện nay, Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép và công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Nếu như có một hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, tiến bộ, khắc phục được cả tình trạng "chạy cơ chế”, "tham nhũng chính sách” trong xây dựng pháp luật, triệt để khắc phục tình trạng đẻ giấy phép con, "phép vua thua lệ làng” thì chắc chắn tình trạng cán bộ lạm dụng quyền lực, nhũng nhiễu sẽ không thể xảy ra. Và nếu như có hệ thống pháp luật minh bạch, chặt chẽ về công tác tổ chức, cán bộ, thì không ai có thể làm trái pháp luật, đứng trên pháp luật tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hiến pháp và pháp luật là hành lang pháp lý, là "cái lồng" của quyền lực, là khuôn khổ để kiểm soát quyền lực Nhà nước, chặt bỏ những "chiếc vòi bạch tuộc” quan liêu, tham nhũng.
Xin được lấy ví dụ bằng việc xây dựng pháp luật. Giai đoạn trước năm 2008, năm ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ hầu như có thể quy định về mọi vấn đề trong luật; còn hiện nay, Chính phủ, các bộ đã bị khống chế về nội dung và phạm vi ủy quyền lập pháp bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bởi chính từng đạo luật cụ thể. Nhờ vậy, tình trạng lạm dụng ra những quy định vi phạm Hiến pháp, vi phạm quyền cơ bản của công dân dần được hạn chế. Hay trong việc gia nhập các công ước quốc tế, ban hành các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu… đã giúp cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng minh bạch, tiến bộ, hướng tới một Chính phủ kiến tạo, vì người dân phục vụ, tạo nên "làn sóng” cắt giảm, đơn giản hóa hàng nghìn thủ tục đầu tư, kinh doanh ở các bộ, ngành như vừa qua.
Kiểm soát quyền lực Nhà nước cũng phải bảo đảm sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước với sự thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong đó đặc biệt phải phát huy vai trò kiểm soát của các cơ quan tư pháp đối với các cơ quan Nhà nước mà tòa án phải thật sự độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật và công lý, không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực nào. Phải hoàn thiện luật pháp theo hướng tạo nên sự độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là nhánh tư pháp.
Kiểm soát của Đảng: Xử lý đảng viên nặng hơn để làm gương
Kiểm soát quyền lực vừa là nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của mình. Theo đó, Đảng "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền nhưng không làm thay Nhà nước, không lấn sân Nhà nước. V.I.Lênin đã từng nhắc nhở những đảng viên cộng sản không biết cách lãnh đạo rằng, với tư cách là một chủ thể thực hiện chức năng lãnh đạo thì không được "ra những chỉ thị và sắc lệnh” tức không được hoạt động theo kiểu như chỉ đạo, quản lý. Trong mọi hoạt động của mình, cán bộ, đảng viên ở các cấp, nhất là đảng viên có chức, có quyền phải nhận thức và tách bạch được vị trí, vai trò của mình. Theo Hiến pháp, Đảng còn phải "chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Mặt khác, Đảng thực hiện cơ chế "tự kiểm soát” thông qua tự phê bình và phê bình, kỷ luật Đảng, công tác kiểm tra, giám sát. Nhìn lại những sự việc như các vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm… thật đáng buồn khi hầu như không có tổ chức đảng nào phát hiện ra các sai phạm thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Thậm chí, có đảng viên lên tiếng đấu tranh thì ý kiến của họ lại bị bỏ qua, thậm chí bị trù dập. Rất nhiều vụ việc cán bộ sai phạm nghiêm trọng nhưng tổ chức đảng chậm trễ trong xử lý, không chủ động kiểm tra bất thường để phát hiện sai phạm.
Là một nhà nghiên cứu lý luận chuyên sâu về đạo đức Hồ Chí Minh, GS Hoàng Chí Bảo phân tích: Bác Hồ đã dạy chúng ta: Cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng cùng mắc lỗi như nhau, đảng viên, cán bộ trong Đảng phải xử lý nặng gấp 3 lần để làm gương. Tiếc là có thời gian chúng ta xử lý nội bộ với nhau, cán bộ, đảng viên thì bao che, nhân dân ngoài Đảng cùng bị mắc lỗi lại bị xử lý rất nặng. Nhưng vừa qua, hàng loạt cán bộ cao cấp đã bị xử lý, công bố công khai tại các Hội nghị Trung ương 5, 6 (khóa XII) đã minh chứng Đảng ta không nói suông trong kiểm soát quyền lực. Đảng đã thực sự hành động để thực hiện cho được quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị của mình.
Những năm gần đây, Đảng ta đã có rất nhiều quy định chặt chẽ để quản lý đảng viên, trong đó phải kể đến 19 điều cấm đảng viên không được làm kèm theo hướng dẫn cụ thể. Nhưng có không ít đảng viên, tổ chức đảng quán triệt và thực hiện chưa triệt để.
Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân những quy định nhiều khi còn chưa tạo ra được sự ràng buộc, chế tài chặt chẽ. Song mới đây, với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật, dư luận hết sức đồng tình với tinh thần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Hy vọng rằng đây sẽ là một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả của Đảng trong giai đoạn tới.
Kiểm soát bằng tai, mắt nhân dân
Nhân dân là chủ thể quan trọng nhất trong kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước. Nhân dân kiểm soát thông qua cơ chế bầu cử và đại diện, thông qua các hình thức giám sát, phản biện xã hội đối với bộ máy công quyền và tổ chức đảng. Lòng tin của nhân dân, lá phiếu và những hành động thực tiễn, ý chí của nhân dân là vũ khí mạnh nhất để kiểm soát quyền lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.
Người còn có phát biểu đáng suy ngẫm và đầy mạnh mẽ về kiểm soát quyền lực Nhà nước của nhân dân: "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.
Kiểm soát quyền lực được tiến hành trên cả ba trụ cột Đảng, Nhà nước và nhân dân nhưng không phải là ba hoạt động đơn lẻ, tách rời mà chỉ có hiệu quả tốt nhất khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột ấy. Trong kiểm soát tha hóa quyền lực công tác cán bộ cũng vậy. Vụ án Phạm Công Danh đã để lại nhiều bài học đau xót. Phạm Công Danh bằng con đường chạy chức, chạy quyền, leo lên vị trí người đứng đầu một ngân hàng gây ra vụ làm thiệt hại khủng khiếp cho ngân sách, lên tới hơn 9.000 tỷ đồng. Vì sao đã có hệ thống pháp luật chặt chẽ về ngân hàng, tài chính, nhân sự nhưng ông Danh từ năm 1991 đã bị Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi truy tố về 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" và bị tuyên án 6 năm tù giam, vẫn leo lên để nắm quyền lực?
Theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP của Chính phủ, nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm thì Phạm Công Danh không được nắm giữ quyền lực cao nhất tại ngân hàng. Rồi chuyện nhiều bảo vệ, nhân viên rửa xe được ông Danh mời làm... giám đốc, ngồi chỉ ký giấy vay tiền để hưởng lương mà không ai giám sát, lên tiếng, can ngăn, kể cả những người vi phạm. Chỉ qua một vụ việc cũng đủ thấy, chỉ có hành lang pháp luật cũng chưa đầy đủ nếu thiếu đi ý thức tuân thủ pháp luật của con người, sức mạnh của bộ máy tổ chức và vai trò giám sát của nhân dân.
Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, khi thảo luận về đề án trình Hội nghị Trung ương 7 tới đây, đã có nhiều ý kiến kiến nghị phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện về thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; về vai trò kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông và của nhân dân trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát.
Thực hiện nghiêm cơ chế công khai, minh bạch; phản biện, chất vấn, giải trình và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc đùn đẩy, né tránh, trù dập. Rà soát, bãi bỏ, hủy bỏ và thu hồi các quy định, quyết định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp, có sai phạm, kể cả những trường hợp đã được bầu cử, bổ nhiệm hoặc chỉ định tham gia cấp ủy, tổ chức đảng. Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính và xử lý bằng pháp luật những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bao gồm tập thể, cá nhân có thẩm quyền quyết định, có chức năng tham mưu đề xuất, thẩm định, thẩm tra nhân sự. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cán bộ. Xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất, hiệu quả…
(Theo QĐND)
(còn nữa)