Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2018)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương văn hoá vĩ đại

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/5/2018 | 10:19:42 AM

"Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây” không chỉ là đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam qua bao đời nay, mà còn là tình cảm tri ân sâu nặng của nhân dân ta đối với những bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập quốc, mở mang bờ cõi, giữ gìn non sông, bảo toàn gấm vóc và mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân.

Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về thăm Pác Bó năm 1961. Ảnh tư liệu.
Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về thăm Pác Bó năm 1961. Ảnh tư liệu.

 
 

Từ các Vua Hùng có công dựng nước trong buổi bình minh lịch sử dân tộc, đến những anh hùng gắn liền với các sự kiện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như: Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh… đều được nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi.

Nhân dân ta từ già đến trẻ trên khắp mọi miền đất nước đều dành tình cảm kính trọng, quý mến đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng dân Việt Nam đối với Bác Hồ, có lẽ không câu nào sâu sắc hơn câu đối mà ông Nguyễn Văn Từ đã viết cách đây 58 năm trong dịp mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 70 tuổi (19-5-1960): Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận/ Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương. Nhà thơ Bảo Định Giang cũng "nói hộ lòng dân Việt” khi viết: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong dân”.
 
Hiện cả nước có hơn 600 di tích, địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ tại gần 30 tỉnh, thành phố; hơn 100 tượng và tượng đài Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên, trụ sở các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. Đó là "con số biết nói” thể hiện tấm lòng lòng tri ân của muôn dân đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Tên Người còn được nhân dân gắn vào những danh hiệu như "Cháu ngoan Bác Hồ”, "Bộ đội Cụ Hồ” mà hiếm có lãnh tụ chính trị, danh nhân văn hóa nào trên thế giới có được niềm vinh dự đó.

Là người đã "làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”, hình tượng Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng bất tận để các văn nghệ sĩ sáng tác về Người. Sở hữu gần 30 ca khúc về Hồ Chí Minh, sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến từng lý giải rằng, viết về Bác là một tình cảm rất đỗi tự nhiên, bởi trong mỗi trái tim Việt chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác. Theo nhà thơ Tố Hữu, được viết về Bác là một nhu cầu tự thân, bởi lẽ "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, và: "Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”, "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Đến nay, đã có hàng nghìn bài thơ, bài hát viết về hình tượng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đã đi xa chúng ta gần nửa thế kỷ, nhưng Người còn sống mãi trong lòng dân Việt Nam và trong trái tim nhân loại tiến bộ trên thế giới. Bởi vì, như lúc sinh thời Chủ tịch Cu Ba Phidel castro Ruz từng khẳng định: "Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”. Sự sống bất diệt đó chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như vầng dương soi sáng trí tuệ, tâm hồn dân tộc và nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Tự thân danh hiệu đó là một giá trị văn hóa tuyệt đẹp. Tấm gương trọn đời cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước, vì những mục tiêu cao cả của nhân loại tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương văn hóa sáng ngời nhất. Bởi vậy, tự nguyện học tập và làm theo tấm gương ấy để không ngừng hoàn thiện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nhân cách bản thân không chỉ là một thái độ, hành vi ứng xử đậm chất văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, mà còn góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một giá trị văn hóa sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
 
(Theo QĐND)

Các tin khác
Chính quyền thành phố Montreuil và bạn bè Pháp đặt hoa tưởng niệm dưới chân tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công viên Montreau.

Lễ kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trang trọng ngày 18/5 tại khu tưởng niệm Người trong công viên Montreau, thành phố Montreuil (ngoại ô Paris).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn

"Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, soi vào thực tiễn vẫn luôn luôn mới.

YBĐT - Chiều 18/5, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tỉnh Yên Bái đã tổ chức trao giải Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016- 2020 (đợt 1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc.

Khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết, đó là "cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”[1].

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục