Đề xuất đánh thuế 45% với tài sản không rõ nguồn gốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/5/2018 | 2:42:15 PM

Sáng nay 30/5, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của ĐBQH.

Tổng TTCP Lê Minh Khái.
Tổng TTCP Lê Minh Khái.

Liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý quy định tại mục 5 chương 3 của dự thảo luật, ông Khái cho biết có 2 loại ý kiến.

Đánh thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng xử lý loại tài sản này như hành vi trốn thuế và chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cơ quan quản lý thuế. Đây cũng là phương án 1 của điều 59 dự thảo luật.

Tổng Thanh tra cho biết, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay.

"Luật Phòng chống tham nhũng coi như đã có một khoản thu nhập vãng lai chưa được kê khai và phải nộp thuế”, Tổng thanh tra giải trình.

Ngoài ra, phương án này thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập này là do phạm tội mà có.

Việc này nhằm tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng.

Phương án này phù hợp với quy định của Hiến pháp, bộ luật Dân sự và cũng được Cơ quan Chống tội phạm và ma túy của LHQ - UNODC trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định hình thức xử phạt phù hợp và coi hành vi nêu trên là hành vi vi phạm hành chính của người có nghĩa vụ kê khai trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, nếu theo loại ý kiến thứ hai, có một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ như thiếu cơ sở xác định thẩm quyền xử phạt, căn cứ xử phạt và mức phạt do không thống nhất với các quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính…

Do vậy, Chính phủ chọn phương án 1, chuyển kết luận về xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%.

Vấn đề phức tạp, xin ý kiến QH

"Việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp, đặc điểm xã hội nước ta, người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản...

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước. Do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự...

Về phương án đánh thuế, bà Nga cho biết, nhiều ý kiến của UB Tư pháp tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế cho phù hợp với các quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân.

Trong khi đó, ý kiến khác lại tán thành với phương án 2 và một số ý kiến đề nghị các phương án khác.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân”, Chủ nhiệm UB Tư pháp nói và đưa vấn đề này vào 1 trong 6 nội dung xin ý kiến QH, tập trung thảo luận.
 
(Theo VietNamNet)

Các tin khác
Các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái tại phiên thảo luận ở tổ chiều 30/5.

YBĐT- Đại biểu Triệu Thị Huyền thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phát biểu nhất trí cao sửa đổi một số điều trong dự án Luật Giáo dục Đại học để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

YBĐT - Sáng 31/5, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 tháng đầu năm triển khai thực hiện các đề án thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân hội kiến Nhà vua Akihito và Hoàng hậu.

Ngày 30-5, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Hoàng cung Nhật Bản. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự kỳ họp.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 31/5, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục