Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Kiên quyết đưa những giáo viên kém phẩm chất ra khỏi ngành"
- Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2018 | 2:20:17 PM
Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn sáng nay (6/6) đã nêu lên những biện pháp căn cơ để giải quyết tình trạng bạo hành trẻ em đang diễn biến phức tạp.
|
Trước câu hỏi về vấn đề tình trạng bạo hành trẻ em mầm non đang diễn biến phức tạp, sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các vùng miền cũng rất lớn của đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đồng tình và nêu quan điểm: "Với ý kiến của đại biểu, chúng tôi thấy rất đúng. Chúng ta cũng chia sẻ một điều là từ chính sách dân lập, tư thục sang chính sách công lập, chuyển biến rất mạnh mẽ nên công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên cũng còn bất cập.
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi tham mưu Chính phủ xây dựng quy định về môi trường an toàn, thân thiện với trẻ".
Cũng theo Bộ GD&ĐT, một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ. Còn có tình trạng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử với trẻ chưa chuẩn mực. Một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ.
"Hiện nay có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non. Về cơ bản các giáo viên, thầy cô rất tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ. Nhưng cũng xuất hiện số ít giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt, xảy ra ở các trường tư thục" - Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói - "Kiên quyết đưa những giáo viên kém phẩm chất ra khỏi ngành. Còn các cơ sở bạo hành trẻ phải đình chỉ, thậm chí phải giải thể, đóng cửa".
Đặc biệt, Bộ trưởng cũng nêu ra một số giải pháp căn cơ để tháo gỡ những khó khăn về chất lượng giáo viên, chế độ đãi ngộ giáo viên.
"Có nhiều cách để giải quyết các vấn đề trên, nhưng giải pháp căn cơ vẫn là việc đào tạo đội ngũ giảo viên. Giáo viên phải được quy hoạch, phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và đương nhiên là phải có chế độ đãi ngộ hợp lý. Hiện nay chế độ lương giáo viên mầm non thấp quá. Theo quy định, mức trung cấp lương khởi điểm mới ra trường là 2,4 triệu. Lương như vậy thì các cô rất khó khăn", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
"Chúng tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan thì một mặt phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp hơn, nhưng một mặt khác cũng phải đi kèm với chính sách đãi ngộ" - Bộ trưởng nói.
Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận và theo Chủ tịch Quốc hội số lượng nhiều quá đã gây treo hệ thống.
Trong sáng nay, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, giáo dục đại học; giải pháp nào khắc phục tình trạng 200.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hay là tiến độ của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục...
Theo dõi phiên chất vấn, nhiều người cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng rất thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm khi đối diện với những hạn chế, tồn tại của ngành trong nhiều năm như là Bộ trưởng thắng thắn nhìn nhận "bệnh thành tích" vẫn khá phổ biến trong ngành giáo dục, dù có giảm so với trước đây; chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường; có hiện tượng học tủ học lệch ở phổ thông...
Bộ trưởng cũng đã đưa ra những giải pháp căn cơ để giải quyết những tồn tại này. Rất nhiều câu trả lời cũng cho thấy Bộ trưởng nắm rất sát và chắc vấn đề, khi đưa ra nhiều con số dẫn chứng cụ thể.
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, GS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng Bộ trưởng đã rất thẳng thắn và trách nhiệm trước những vấn đề đang đặt ra cho giáo dục.
Liên quan bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết cần phải hạn chế đăng ký thi đua để tránh việc thầy cô muốn có thành tích "ảo" và ngành giáo dục phải là ngành tiên phong trong chống "bệnh thành tích"?. Nhận định về giải pháp "tư lệnh" ngành Giáo dục đưa ra, GS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng cần phải chú ý thi đua là rất cần nhưng biến thi đua trở thành "bệnh thành tích" - thành tích "ảo" - lại là điều không nên. Vì vậy, cần duy trì thi đua trong ngành giáo dục nhưng phải thực chất.
"Có rất nhiều người thầy, người quản lý đang tận tụy ngày đêm với công việc xứ mệnh của mình, vì vậy phải khích lệ họ. Còn những thi đua nào tiêu cực phải loại bỏ" - GS.TS Đặng Quốc Bảo cho hay.
Các tin khác
YBĐT - Huyện ủy Văn Chấn đã xây dựng Đề án "Hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND, UBND huyện ” và Đề án "Thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện”.
C. Mác, Hồ Chí Minh là những vĩ nhân, những nhà sáng lập ra một giá trị văn hóa đặc sắc không chỉ góp phần làm biến đổi diện mạo của cả một dân tộc, mà có ảnh hưởng đến cả một thời đại. Khái niệm văn hóa có nội hàm rất rộng. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn để nói về một khía cạnh của văn hóa là đoàn kết, một dòng chủ lưu trong tư tưởng của hai vĩ nhân này.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII của Đảng phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực theo tinh thần đổi mới, đúng đối tượng; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết.
YBĐT - Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược lâu dài, với tinh thần nghiêm túc, đến nay, huyện Văn Yên đã hoàn tất các đề án sáp nhập, một số đơn vị đã hoàn thành xong trước lộ trình thực hiện Nghị quyết số 18 -NQ/TW.