Đón Thủ tướng Chính phủ và phu nhân tại sân bay có Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương và đại diện Bộ Ngoại giao Bỉ. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang. Đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ cũng tới sân bay đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn.
Ngay sau khi tới thủ đô Brussels, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam tại Cung điện Palais d’Egmont. Sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.
* Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã cùng gặp gỡ báo chí thông báo một số kết quả của cuộc hội đàm. Hai Thủ tướng nhấn mạnh cuộc hội đàm thành công tốt đẹp và hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết hai Thủ tướng nhất trí cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, doanh nghiệp hai nước. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư.
Hai bên cũng đã thảo luận về khuôn khổ thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Bỉ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Về hợp tác đa phương, trên cương vị Chủ tịch Nghị viện châu Âu năm 2019, Bỉ cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021. Hai nước sẽ cùng nhau hỗ trợ để thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Biển Đông; cùng lên tiếng phản đối các hành động đơn phương, vi phạm hòa bình, luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, tại hội đàm hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao thông - vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau. Hai bên khẳng định, hợp tác toàn diện, hiệu quả là mục tiêu rất quan trọng trong quan hệ hai nước.
Theo Thủ tướng, đã có nhiều dự án đầu tư của Bỉ tại Việt Nam thành công và Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cả hai Thủ tướng đều cho biết, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo đã mời Thủ tướng Charles Michel thăm Việt Nam và Thủ tướng Bỉ đã vui vẻ nhận lời.
* Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến các cơ quan, doanh nghiệp hai nước ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, cảng biển và một số lĩnh vực khác.
* Trước đó, chiều 15-10, theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Áo Wolfgang Sobotka.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi Áo là đối tác quan trọng, tin cậy ở châu Âu và mong muốn quan hệ hai bên tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả, toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Quốc hội hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước; đề nghị Quốc hội Áo, Nhóm Nghị sĩ song phương Áo - Nam Á và Đông Nam Á ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chủ tịch Quốc hội Áo Wolfgang Sobotka khẳng định, Quốc hội Áo sẽ phối hợp với Chính phủ Áo thúc đẩy hiệp định quan trọng này, nhấn mạnh Quốc hội Áo quan tâm đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
* Chiều 15-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến chào xã giao Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen. Tổng thống Alexander Van der Bellen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí hai bên cần có nhiều biện pháp tích cực và hiệu quả để tăng cường hợp tác song phương. Tổng thống Áo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp Áo đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Áo xem xét, đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên tiếp nhận viện trợ của Áo, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề.
* Sáng 16-10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Bang Hạ Áo. Tại cuộc gặp với Thống đốc Bang Hạ Áo Johanna Mikl-Leitner, Thủ tướng đề nghị chính quyền Bang Hạ Áo ủng hộ các hoạt động kết nối hợp tác, kinh doanh giữa các trường đại học và các doanh nghiệp của bang với các đối tác Việt Nam.
Thống đốc Bang Hạ Áo Johanna Mikl-Leitner cho biết, với thế mạnh về giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghệ… các doanh nghiệp Bang Hạ Áo rất quan tâm đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng với sức mua lớn, dân số trẻ và năng động.
* Sáng 16-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và nói chuyện tại Đại học Khoa học ứng dụng Krems (IMC); chứng kiến lễ ký chương trình hợp tác giữa Đại học Krems và Đại học Thương mại Việt Nam.
* Cùng ngày, Thủ tướng thăm Trung tâm nghiên cứu Biomin của Áo.
* Chiều 16-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời thủ đô Vienna, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo.
(Theo TTXVN)