Về thí điểm hợp nhất ba văn phòng cấp tỉnh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nghị quyết quy định thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Khuyến khích các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác chủ động thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết này. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 01-01-2019 đến hết ngày 31-12-2019.
Trường hợp đến hết ngày 31-12-2019 mà các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có hiệu lực pháp luật thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở những nơi thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung các luật trên có hiệu lực thi hành.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước tương đương cấp Sở, thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc...
Nghị quyết quy định biên chế công chức của Văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của địa phương và không vượt quá tổng biên chế hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, được xác định theo vị trí việc làm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị. Biên chế công chức của Văn phòng không bao gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo lĩnh vực được phân công.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương trong việc phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...
Các địa phương thực hiện thí điểm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trước ngày 01-01-2020.
Về thành lập Tòa án quân sự quân khu và tương đương
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực; biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án quân sự các cấp.
Cụ thể, thành lập 9 Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên cơ sở các Tòa án quân sự quân khu và tương đương hiện hành gồm: Tòa án quân sự Quân khu 1; Tòa án quân sự Quân khu 2; Tòa án quân sự Quân khu 3; Tòa án quân sự Quân khu 4; Tòa án quân sự Quân khu 5; Tòa án quân sự Quân khu 7; Tòa án quân sự Quân khu 9; Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội; Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân.
Bên cạnh đó, thành lập 10 Tòa án quân sự khu vực trên cơ sở các Tòa án quân sự khu vực hiện hành gồm: Tòa án quân sự khu vực Quân khu 1, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 1 và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 1 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực Quân khu 2, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 2 và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 2 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực Quân khu 3, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 3 và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 3 hiện hành.
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 4 và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 4 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 5, trên cơ sở Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 5 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 5, trên cơ sở Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 5 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 7 và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 7 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực Quân khu 9, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 9 và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 9 hiện hành; Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội hiện hành; Tòa án quân sự khu vực Quân chủng Hải Quân, trên cơ sở sáp nhập Tòa án quân sự khu vực 1 Quân chủng Hải Quân và Tòa án quân sự khu vực 2 Quân chủng Hải Quân hiện hành.
Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án quân sự quân khu và tương đương; của các Tòa án quân sự khu vực quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định trên cơ sở phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án quân sự quân khu và tương đương; của các Tòa án quân sự khu vực hiện hành.
Tổng biên chế của Tòa án quân sự các cấp là 310 người, trong đó có 130 Thẩm phán gồm: Tòa án quân sự Trung ương là 54 người, trong đó có 1 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và 15 Thẩm phán cao cấp theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH13 ngày 01-7-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tòa án quân sự quân khu và tương đương là 126 người, trong đó có 12 Thẩm phán cao cấp theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH13 ngày 01-7-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 42 Thẩm phán trung cấp.
Tòa án quân sự khu vực có 130 người, trong đó có 20 Thẩm phán trung cấp và 40 Thẩm phán sơ cấp.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh, bổ sung Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
Cụ thể, bổ sung 450 Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong tổng biên chế, số lượng Thẩm phán được giao tại Nghị quyết số 473a/2012/NQ-UBTVQH13 ngày 28-3-2012 và Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH13 ngày 01-7-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng số Thẩm phán sơ cấp tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương là 4.129 người.
(Theo tapchicongsan.vn)