Theo đó, QH xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Cụ thể, các dự án luật, nghị quyết được QH xem xét, thông qua gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Các dự án luật được QH cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2018, Đoàn đại biểu QH khóa XIV tỉnh Yên Bái đã lựa chọn, lấy ý kiến tham gia một số dự án luật. Đó là, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt...
Tham gia cho ý kiến vào 2 dự thảo Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt, hầu hết các đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí với báo cáo các nội dung, bố cục, phạm vi điều chỉnh của hai dự thảo luật và cho rằng, việc xây dựng 2 dự án luật này là vô cùng cần thiết, nếu sớm được QH thông qua và đi vào thực tiễn sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Cụ thể, đối với dự thảo Luật Chăn nuôi, tại Khoản 1, Điều 4 về chính sách Nhà nước về chăn nuôi, ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn đề nghị bổ sung xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi là rất quan trọng, việc quy hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương sẽ đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cân đối và chủ động hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ đề nghị bổ sung, sửa đổi phần giải thích từ ngữ "01 đơn vị chăn nuôi vật nuôi" là tương ứng với bao nhiêu con vật nuôi và đề nghị cần xem xét tính toán về quy mô, đơn vị vật nuôi đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và trang trại chăn nuôi quy mô lớn sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn chăn nuôi hiện nay.
Còn ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho rằng, đối với những quy định về khoảng cách trang trại chăn nuôi, ngoài đối tượng như: nguồn nước sinh hoạt, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, khu dân cư, cần bổ sung làm rõ thêm một số đối tượng nhạy cảm khác như trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện… và đặc biệt là nghiêm cấm trang trại, cơ sở chăn nuôi ở đầu nguồn nước sẽ gây ô nhiễm môi trường, rất khó xử lý và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Đối với Dự thảo Luật Trồng trọt, ông Hà Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho rằng, hiện nay, tình trạng sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông nông sản, sản phẩm trồng trọt vi phạm an toàn thực phẩm đang diễn ra khá phức tạp, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung cấm canh tác, sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông nông sản, sản phẩm trồng trọt vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan chức năng ban hành…
Tham gia cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, gồm 7 chương, 32 điều, các đại biểu bày tỏ đồng tình với các nội dung dự thảo Luật và cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ được QH thông qua và sớm ban hành là điều hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của con người.
Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, hiện nay công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia thủ công trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, khó kiểm soát, nhất là về chất lượng cũng như nguồn gốc. Do vậy, nếu Luật được thông qua sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này. Trong Dự thảo Luật này cũng cần quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ cấp phép kinh doanh và có chế tài để xử lý nghiêm vi phạm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, bia thủ công.
"Vấn đề quảng cáo các sản phẩm kinh doanh rượu, bia trên mạng xã hội hay như quy định độ tuổi cần có hướng dẫn chi tiết” - bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế nêu ý kiến.
Cẩm Tú