Ngày 27.10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại nghị trường.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện ví nền kinh tế giống như một bức tranh dù đẹp nhưng vẫn có những vết nhám.
Ông cũng chỉ ra rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân còn nhiều vướng mắc, rào cản, chưa đảm bảo công bằng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn ví dụ tới trường hợp vướng mắc đối với một doanh nghiệp Thanh Hoá, bản thân ông đã 2 lần báo cáo Thủ tướng nhưng địa phương vẫn không thực hiện điều chỉnh. Hay một ví dụ khác là doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Việt Hưng, 3 Bộ đều xác nhận họ làm ăn tốt, đảm bảo môi trường và công nghệ nhưng tỉnh vẫn không đồng ý cho dự án đầu tư khoảng 700 tỉ đồng của họ.
Cũng theo ông Nhưỡng, quá trình tiếp xúc với cử tri, ông đã tiếp một cựu chiến binh hiện đang kinh doanh và người đó đã nói với ông nhiều vấn đề khiến ông chạnh lòng. "Ngày xưa chúng tôi đánh Mỹ dễ như thế mà giờ làm ăn sao khó khăn như vậy. Có thể nói rào cản là rất lớn", ông Nhưỡng cho biết.
Đáng lưu ý, trong phần phát biểu của mình, ông Nhưỡng có nhắc tới quá trình cổ phần hóa và tỏ ra quan ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. Trong khi đó, đối với 12 dự án nghìn tỉ yếu kém của Bộ Công thương, ông đánh giá quá trình xử lý vẫn giậm chân tại chỗ.
"Đi khảo sát tại dự án xơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn xơ sợi lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỉ đồng tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không? Hay dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa. Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, dự án nào kém hiệu quả thì nên cho phá sản ngay. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Giải trình trước Quốc hội liên quan đến 12 dự án nghìn tỉ kém hiệu quả, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án Chính phủ đã phê duyệt, theo lộ trình đến 2018 và 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện và triệt để các tồn tại để kết thúc vào năm 2020.
Bộ trưởng cho rằng, phải thực hiện các nguyên tắc cụ thể như: Các giải pháp, giải quyết phải trong khuôn khổ của luật pháp; thứ hai là phải đảm bảo đúng nguyên tắc của thị trường và không có chuyện trợ cấp và cung cấp vốn từ ngân sách nhà nước. Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, của các doanh nghiệp. Cuối cùng là phải phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.
Những nội dung lớn đã thực hiện và có sự phối hợp tốt, tiến độ đã đạt và đạt được thành quả bước đầu. Hiện nay đã có 2 dự án là DAP Hải Phòng và dự án Thép miền Trung bước đầu có hiệu quả, không còn lỗ, bắt đầu có lãi, chuẩn bị báo cáo Chính phủ đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ để hội nhập nền kinh tế.
4 dự án còn lại đã bắt đầu giảm lỗ. Dự án Bình Phước đã bước đầu khắc phục những thiệt hại; dự án Bình Sơn bắt đầu tham gia sản xuất và sản phẩm được thị trường chấp nhận; dự án sinh học Phú Thọ đã có sự vào cuộc của cơ quan điều tra và kết luận của thanh tra Chính phủ, trong thời gian tới sẽ cập nhật và báo cáo đầy đủ.
(Theo LĐO)