Xem xét, hoàn chỉnh Luật Thi hành án hình sự sửa đổi trong 3 kỳ họp

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/11/2018 | 8:30:08 AM

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Toàn cảnh Quốc hội, phiên họp chiều 7/11.
Toàn cảnh Quốc hội, phiên họp chiều 7/11.

Bảo đảm tính đồng bộ với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Theo đó, qua hơn 8 năm Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. 

Đặc biệt, từ khi Quốc hội ban hành Hiến pháp và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Do đó việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 là cần thiết. 

Tờ trình cũng nêu rõ, mục đích của việc xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự, kết hợp trừng phạt và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Chưa có đánh giá tính khả thi trong thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án Luật có phạm vi sửa đổi và tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Tuy nhiên, do sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với luật sửa đổi toàn diện khác cơ bản với luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề.

Do vậy, việc Chính phủ để đến thời điểm dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đề xuất thay đổi phạm vi, tên gọi của dự thảo Luật cho thấy sự bị động trong việc chuẩn bị dự án Luật và chưa đánh giá được đầy đủ những yêu cầu của việc sửa đổi toàn diện dự án Luật. Đồng thời, việc thay đổi gấp như vậy cũng dẫn đến bị động, khó khăn cho Ủy ban Tư pháp trong việc thẩm tra. Ủy ban Tư pháp đề nghị, trường hợp Quốc hội chấp nhận Tờ trình của Chính phủ về thay đổi tên gọi, phạm vi sửa đổi của dự án Luật thì đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thông qua dự thảo Luật so với thời gian đã được quyết định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên nội dung nhiều vấn đề cần được xem xét, hoàn thiện thêm nhằm đảm bảo chất lượng của dự án Luật. Theo đó, Báo cáo đánh giá tác động đã được bổ sung nhưng nhìn chung vẫn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản của dự án Luật như: trình tự, thủ tục Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; cụ thể hóa quy định Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với phạm nhân; về tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân; về tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; những quy định mới đòi hỏi phải có nguồn lực bảo đảm…

Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Đây là quy định mới, ở nước ta chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động, Cơ quan soạn thảo chỉ đưa ra 2 phương án để lựa chọn là: có quy định hay không quy định thành một Chương trong Luật, mà chưa đánh giá cụ thể về tính khả thi của việc thi hành từng loại hình phạt đối với pháp nhân thương mại. Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động về những nội dung nêu trên.

Trong dự thảo Luật vẫn còn tới 13 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Mặc dù hồ sơ dự án Luật đã bổ sung một số dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn nhưng về cơ bản, các dự thảo này còn hình thức, nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, có dự thảo văn bản hướng dẫn nội dung không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, tài liệu về kinh nghiệm quốc tế trong hồ sơ dự án Luật còn hình thức, chưa sát với nội dung, còn thiếu nhiều thông tin cần tham khảo liên quan đến các nội dung mới đưa vào dự thảo Luật. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tài liệu, quy mô kinh nghiệm quốc tế đối với các nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định, Ủy ban Tư pháp tán thành với những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo này lại chưa được cụ thể hóa đầy đủ trong nhiều nội dung của dự thảo Luật, một số nội dung của dự án Luật chưa bảo đảm chất lượng, thiếu khả thi. 

Đặc biệt, quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là một trong những nội dung cơ bản nhất của việc sửa đổi lần này. Tuy nhiên, quy định về trình tự, thủ tục chi tiết, hậu quả của việc cưỡng chế thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại đều chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cho xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp. Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn. Sau đó, Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Chủ tịch Cuba Miguel Mario Diáz Canel Bermúdez (trái) trở thành người kế nhiệm Chủ tịch Raul castro (phải) lãnh đạo đất nước Cuba tháng 4/2018.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Miguel Mario Diáz Canel Bermúdez, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba và Phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 08 đến ngày 10/11/2018.

Toàn cảnh phiên họp.

Chiều 7/11, trước khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Chăn nuôi, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng Báo cáo giải trình, tiếp thu về Dự án Luật này.

Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 7/11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

YBĐT - Sáng 7/11, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 11/2018 tại Chi bộ Khu dân cư Ninh Thắng, Đảng bộ phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục