Sự kiện tạo bản Hiến pháp Việt Nam đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2018 | 8:40:46 AM

Hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và bị lệ thuộc nước ngoài, Việt Nam vốn không phải là một quốc gia có truyền thống hiến pháp.

Ngày 09/11/1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 09/11/1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, ý thức độc lập tự do, nhu cầu văn minh tiến bộ cùng ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào dân chủ trên khắp thế giới đã làm nảy nở tư tưởng lập hiến ngay trong các tầng lớp người Việt. Thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945 vun đắp cho tư tưởng đó thực sự đơm hoa kết trái: Năm 1946, với nỗ lực kiến tạo của toàn thể Nhà nước và nhân dân, bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ra đời.

Quá trình kiến tạo Hiến pháp Việt Nam năm 1946

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã lật đổ ách đô hộ của các thế lực thực dân đế quốc (Pháp, Nhật), giành độc lập tự do, xóa bỏ chế độ quân chủ và lập nên nền cộng hòa. Thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám phải được khẳng định, bảo vệ; dân tộc Việt Nam cần phải có một văn bản pháp lý làm nền tảng cho mọi hoạt động của Nhà nước và nhân dân. Nhu cầu ban hành Hiến pháp trở nên rất cấp thiết.

Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước, chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ…”. Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, với Điều 6 ghi rõ: "Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập”. Ngày 20/9/1945, Sắc lệnh số 34-SL được ban hành, thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Bản dự án Hiến pháp soạn thảo xong, được Hội đồng Chính phủ thảo luận, bổ sung và sửa đổi. Ngày 31/10/1945, Hội đồng Chính phủ quyết định sẽ công bố trên báo và in gửi đi các làng xã để thu thập ý kiến nhân dân. Bản dự án Hiến pháp đã chính thức công bố trên báo Cứu quốc ngày 10/11/1945 kèm theo Thông cáo của Chính phủ. Thông cáo nêu rõ: "Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà nên Chính phủ công bố bản dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình… Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình lên toàn quốc đại hội bàn luận”.

Cuối kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 02/3/1946, Quốc hội đã thảo luận nhiệm vụ và bầu Tiểu ban Hiến pháp. Nhiệm vụ của Tiểu ban là dự thảo bản Hiến pháp, phiên họp sau sẽ đem trình cho Ban Thường trực Quốc hội để Ban Thường trực trình Quốc hội; đồng thời nghiên cứu cả quốc kỳ và quốc ca. Tiểu ban gồm 11 người: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Ủy ban Kiến quốc của Chính phủ cũng đã tự nghiên cứu và đưa ra một dự thảo. Căn cứ vào bản dự án của Chính phủ, đối chiếu với bản dự thảo của Ủy ban Kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm lập hiến của nhiều nước Âu - Á, Tiểu ban đã soạn thảo một dự án Hiến pháp để trình Quốc hội. Trong phiên họp ngày 29/10/1946, Tiểu ban được mở rộng thêm 10 vị đại biểu cho các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu miền Nam, đại biểu dân tộc ít người để tham gia tu bổ thêm bản dự án và Quốc hội bắt đầu thảo luận từ ngày 2/11/1946.

Qua nhiều buổi thảo luận và tranh luận sôi nổi để bổ sung, sửa đổi từng điều cụ thể, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Toàn thể Quốc hội đều công nhận cờ đỏ sao vàng là lá cờ thiêng liêng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đứng lên nghiêm trang chào cờ, đồng thanh hát vang bài Tiến quân ca. Ngày 09/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp với 240 đại biểu tán thành trong tổng số 242 đại biểu có mặt (2 đại biểu không tán thành là Nguyễn Sơn Hà và Phạm Gia Đỗ).

Lúc này, Pháp bắt đầu vi phạm nghiêm trọng những hiệp định đã ký kết với Chính phủ ta, tăng cường khiêu khích và trắng trợn đe dọa vũ lực. Trước nguy cơ một cuộc xâm lược mới, việc ban bố và thi hành Hiến pháp cần phải cân nhắc thận trọng chứ chưa thể làm ngay vào tháng 12/1946 như dự định lúc đầu. Sau khi tuyên bố Hiến pháp trở thành chính thức, Quốc hội ra Nghị quyết cho Ban Thường trực Quốc hội "cùng Chính phủ quyết định ban bố và thi hành Hiến pháp” khi có điều kiện. Theo Nghị quyết này, "trong thời kỳ chưa thi hành được Hiến pháp thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật”.

Đúng như dự đoán, ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do điều kiện chiến tranh, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân (Quốc hội mới) không thực hiện được. Vì vậy, Hiến pháp không được chính thức công bố, nhưng Chính phủ và Ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp để chỉ đạo mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Nội dung và ý nghĩa tiến bộ của Hiến pháp 1946

Hiến pháp 1946 gồm lời nói đầu, 7 chương với 70 điều. Trong Lời nói đầu, Hiến pháp ghi nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám "giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”. Lời nói đầu cũng nêu rõ: "Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo đảm lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.

Chương I (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định về chính thể, theo đó Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, thống nhất, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca, Thủ đô đặt ở Hà Nội.

Chương II (từ Điều 4 đến Điều 21) quy định về quyền và nghĩa vụ công dân, ghi nhận quyền bình đẳng trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; bình đẳng giữa nam và nữ; bình đẳng trước pháp luật; quyền được tham gia chính quyền và công việc kiến quốc tùy theo tài đức; quyền tự do ngôn luận, hội họp, cư trú, đi lại, tín ngưỡng; quyền bầu cử, bãi miễn, phúc quyết; quyền đảm bảo thân thể, nhà ở, thư tín…; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Chương III (từ Điều 22 đến Điều 42) quy định về Nghị viện nhân dân (Quốc hội), theo đó, cơ quan lập pháp tối cao là Nghị viện nhân dân gồm các nghị viên được nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Nghị viện nhân dân chỉ gồm một viện, là "cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”: quyết định những vấn đề chung quan trọng nhất của đất nước, đặt ra luật pháp, biểu quyết ngân sách, bầu và giám sát hoạt động của Chính phủ… Chương này cũng quy định cơ cấu, hoạt động của Nghị viện nhân dân; quyền và nghĩa vụ của các nghị viên.

Chương IV (từ Điều 43 đến Điều 56) quy định về Chính phủ, theo đó, "Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất” của quốc gia, gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Bộ trưởng và thứ trưởng. Chính phủ được lập ra bởi và chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Chương này còn quy định chi tiết cơ cấu, thẩm quyền và phương thức hoạt động của Chính phủ.

Chương V (từ Điều 57 đến Điều 62) quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Ủy ban hành chính là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, thực hiện những quyết định của Hội đồng nhân dân và các cơ quan Nhà nước cấp trên. Chương này còn quy định về cơ cấu đơn vị hành chính lãnh thổ Việt Nam.

Chương VI (từ Điều 63 đến Điều 69) quy định về cơ quan tư pháp, theo đó, các tòa án được chia thành 4 cấp, có trách nhiệm xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Khi xét xử, thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật. Xét xử các vụ án hình sự, phải có phụ thẩm nhân dân tham gia. Thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm. Bị cáo được quyền tự bào chữa, mượn luật sư, dùng tiếng nói riêng và không bị ngược đãi.

Chương VII (Điều 70) quy định về việc sửa đổi Hiến pháp: Hiến pháp chỉ được sửa đổi khi có không dưới 2/3 tổng số nghị viên yêu cầu, Nghị viện bầu ra Ban Dự thảo những điều thay đổi và toàn dân phúc quyết những điều thay đổi đã được Nghị viện tán thành.

Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Nó ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và thống nhất lãnh thổ. Hiến pháp 1946 đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn trước mắt, chỉ rõ những đường lối thực hiện nhiệm vụ ấy. Đồng thời, nó đặt nền móng cho một bộ máy Nhà nước kiểu mới - Nhà nước cộng hòa nhân dân. Hiến pháp 1946 còn công nhận, đảm bảo quyền dân chủ thiêng liêng của công dân, phù hợp với tình hình, đặc điểm cách mạng Việt Nam và xu hướng tiến bộ, văn minh trên thế giới.

(Theo baoxaydung.com)

Các tin khác

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đến hết quý 1, thành phố Yên Bái đã có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm theo Kế hoạch hành động số 236 của Thành ủy; 17 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục