Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB).
Kiểm soát toàn diện việc quảng cáo rượu, bia
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc ban hành Luật PCTHRB là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với PCTHRB nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với yêu cầu PCTHRB. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, pháp luật về PCTHRB và thực hiện hiệu quả.
Bố cục dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 02 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 02 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.
Để phù hợp với mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác hại của rượu, bia, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, dự thảo Luật tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia như: Quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức....
Về những nội dung tại dự luật, Bộ trưởng cho biết, đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia; khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành, nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.
Về các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, dự thảo Luật tiếp tục duy trì, kế thừa các biện pháp quản lý điều kiện, cấp phép đối với kinh doanh rượu (bao gồm cả sản xuất rượu thủ công vì mục đích kinh doanh). Sản phẩm bia không phải cấp phép mà quản lý theo điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với sản xuất rượu thủ công, dự Luật tiếp tục kế thừa các quy định phù hợp của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP. Sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép. Trong các quy định về bảo đảm chất lượng, an toàn; ghi nhãn rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, nhập lậu cũng đều có các quy định cụ thể, đặc thù và khả thi hơn về sản xuất rượu thủ công.
Tại quy định về bảo đảm an toàn đối với sản xuất rượu thủ công có giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp tỉnh; quy định biện pháp hướng dẫn người dân sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; vận động; tuyên truyền để người dân làm thủ tục cấp phép, đăng ký với ủy ban nhân dân cấp xã; giảm dần, hạn chế hoặc chấm dứt sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh theo lộ trình đến 1-1-2023 và các biện pháp thanh tra, kiểm tra.
Cấm bán rượu, bia trên internet
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao; có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động tại Việt Nam.
Về quy định không được bán rượu, bia trên internet, đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia.
Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.
Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam; khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan, đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đồng thời, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, dù theo phương án nào thì tính khả thi của quy định này phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh và cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mang lại hiệu quả thực tiễn.
Về kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia, Ủy ban nhất trí với quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo như dự thảo Luật để hạn chế khả năng tiếp cận và tính sẵn có của rượu, bia; đồng thời, đánh giá cao việc Chính phủ đã quy định linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau đối với những sản phẩm rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau. Có ý kiến cho rằng, hầu hết các sản phẩm bia trên thị trường có độ cồn phổ biến từ 4-5 độ. Do vậy, Chính phủ cần cân nhắc khi chỉ quy định không được quảng cáo bia trong các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh và phương tiện quảng cáo ngoài trời với sản phẩm bia từ 5,5 độ đến dưới 15 độ cồn để không tạo ra khoảng trống pháp lý đối với kiểm soát quảng cáo bia...
(Theo dangcongsan.vn)