Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh là khâu đột phá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2018 | 8:00:18 AM

YBĐT - Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết số 49). Mục tiêu của Nghị quyết nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Sở Tư pháp về vấn đề này. 


P.V: Ngành tư pháp Yên Bái đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào và đâu là khâu đột phá khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 49, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Huy Cường: Quán triệt mục tiêu, quan điểm, phương hướng và các nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020, ngành tư pháp xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; tham gia hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, trong đó công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh là khâu đột phá khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 49.

P.V: Một trong những yêu cầu cải cách tư pháp là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Xin đồng chí cho biết yêu cầu này đã được ngành tư pháp Yên Bái thực hiện ra sao?

Đồng chí Nguyễn Huy Cường: Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đã thu được những kết quả quan trọng, đó là: 69/69 công chức, viên chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ từ đại học trở lên phù hợp với năng lực, vị trí việc làm hiện nay, trong đó có 7 người có trình độ thạc sỹ; 18 người có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; 20 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị. 

Đội ngũ có chức danh tư pháp, gồm: công chứng viên 9 người, luật sư 15 người, trợ giúp viên pháp lý 9 người, giám định viên 54 người. Cán bộ có chức danh tư pháp như: trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên, luật sư đều có trình độ đại học luật và được đào tạo nghề trước khi được bổ nhiệm. 

Đội ngũ cán bộ tư pháp và đội ngũ có chức danh tư pháp luôn giữ tư tưởng, quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt, thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

P.V: Cải cách tư pháp phải đồng hành với cải cách kinh tế, cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển kinh tế. Vậy, ngành tư pháp Yên Bái đã có những việc làm cụ thể gì trong thời gian qua?   

Đồng chí Nguyễn Huy Cường: Ngành tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 49 và các văn bản pháp luật đến đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Ngành còn chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và một số dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại có nội dung điều chỉnh các quan hệ theo hướng: tôn trọng quyền tự do kinh doanh, xác lập các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại; hạn chế sự can thiệp quá mức của cơ quan công quyền vào các quan hệ này; góp phần tạo cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi tốt hơn quyền của các chủ thể trong giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại thúc đẩy các quan hệ phát triển lành mạnh, hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo vệ tốt hơn các quyền về danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 

Bên cạnh đó, tham gia, đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản luật, bộ luật. Đặc biệt, chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những văn bản có nội dung liên quan đến cải cách tư pháp. 

Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về bổ trợ tư pháp như: Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp… trong đó có Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (chuyển giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và cơ sở cai nghiện bắt buộc từ UBND sang Tòa án nhân dân). 

Kết quả rõ nét nhất của các hoạt động như nêu trên là nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về sự cần thiết phải tiến hành và đẩy mạnh cải cách tư pháp đã được nâng lên rõ rệt. 

Công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật; trong đó có những văn bản pháp luật liên quan đến cải cách tư pháp và bổ trợ tư pháp ở địa phương, tạo hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương.

P.V: Thời gian tới, ngành tư pháp tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào những nội dung nào để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Huy Cường: Thời gian tới, ngành tư pháp Yên Bái sẽ tập trung tổ chức, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, cơ quan có liên quan và của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về cải cách tư pháp. 

Hai là, tham gia, nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức thi hành pháp luật. 

Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Bốn là, tiếp tục tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả các đạo luật, các đề án liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp như: Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)...; tích cực đổi mới, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp.

Năm là, đề nghị cấp có thẩm quyền bảo đảm kinh phí cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phong Sơn (thực hiện)

Các tin khác

YBĐT -Ngày 23/11/1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ trên diện rộng ở Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định), Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc (Chợ Lớn), Long Hưng – Chợ Gạo (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long), Hòa Tú (Sóc Trăng), Rạch Gốc – Hòn Khoai (Cà Mau)… Sài Gòn – Chợ Lớn là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa nhưng không nổ ra được vì kế hoạch bị lộ.  

YBĐT - Để thực hiện tốt Nghị quyết 18, 19, Đảng bộ huyện đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động xác định nội dung thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là công tác chính trị, tư tưởng để động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức an tâm công tác. 


Tranh minh họa.

Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các cán bộ hưu trí-những người có kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước.

YBĐT - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, ngày 22/11, đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cùng đại biểu Nguyễn Thị Vân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Yên, ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri các xã: Trúc Lâu, Phúc Lợi, Động Quan (huyện Lục Yên).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục