Nhân tố có tính quyết định để thực hiện tốt các giải pháp bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP là sự nhận thức sâu sắc và ý thức trách nhiệm cao của cấp ủy Đảng các cấp, của đội ngũ cán bộ và sự chỉ đạo sâu sát, kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy cấp trên.
Chủ trương
Chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương (KPLNĐP) đã được đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX): "Luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị ở Trung ương, giữa các tỉnh, thành phố và giữa các quận, huyện trong một tỉnh, thành phố. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, huyện không phải là người ở địa phương”.
Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 nêu rõ hơn các chức danh cán bộ cần bố trí KPLNĐP: "Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, đưa công tác này trở thành nền nếp thường xuyên trong công tác cán bộ. Mở rộng việc bố trí bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, tài chính, thuế, hải quan... KPLNĐP”[1]
Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng và đưa ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng đảng trong thời gian tới, trong đó nêu rõ: "…tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương” là một giải pháp quan trọng. Tiếp đó, Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đề ra chủ trương mở rộng bố trí cán bộ KPLNĐP đến cấp cơ sở: "Đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ và thực hiện bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không là người địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện và từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã, phường, thị trấn”. Kết luận còn đặt ra mục tiêu, yêu cầu: "thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành công an, toà án, viện kiểm sát) không phải là người địa phương, phấn đấu đến năm 2015 trên 25% tỉnh, thành phố và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đề ra chủ trương tập trung: "Thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương theo mục tiêu đề ra; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND, nếu có điều kiện ”[2].
Như vậy, bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay là một chủ trương, một nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm đổi mới công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy lãnh đạo, quản lý, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi những vấn nạn tiêu cực, nhức nhối trong công cán bộ của Đảng ta những năm gần đây.
Thực hiện và kết quả
Hiện nay cả nước ta có tổng số 29.646 cán bộ chủ chốt cấp huyện, trong đó có 7.317 người trong cơ quan Đảng (24,68%), 11.397 người trong cơ quan Nhà nước (38,44%), 3.167 người trong Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân (10,68%), 2.365 người trong lực lượng vũ trang (7,98%), 4.872 người ở các xã, phường, thị trấn (16,43%) và 528 người trong các doanh nghiệp (1,78%)
Từ năm 2002 đến nay, việc luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt KPLNĐP, trong đó có bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động làm tốt các mặt công tác:
Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện (quận, thành phố, thị xã) KPLNĐP và phân công trách nhiệm thực hiện.
Tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện (quận, thành phố, thị xã) KPLNĐP.
Thực hiện lựa chọn, luân chuyển, điều động, giới thiệu cán bộ ứng cử để bố trí, sắp xếp các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện (quận, thành phố, thị xã) theo kế hoạch để thực hiện đúng quy định KPLNĐP.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện (quận, thành phố, thị xã) KPLNĐP.
Sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện (quận, thành phố, thị xã) KPLNĐP.
Do đó, việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP bước đầu đạt kết quả quan trọng.
Ở cấp huyện, trong nhiệm kỳ 2010-2015, có 291/715 (40,7%) đồng chí bí thư KLNĐP; 316/663 (47,7%) đồng chí chủ tịch KLNĐP. Có 31 tỉnh, thành phố có trên 50%, trong đó 8 tỉnh, thành phố trên 75% bí thư KLNĐP; 28 tỉnh, thành phố có trên 50%, trong đó 14 tỉnh có trên 75% chủ tịch KLNĐP. Riêng Hà Giang và Tây Ninh có 100% bí thư cấp huyện KLNĐP. Các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có 100% chủ tịch UBND cấp huyện KLNĐP[3].
Nhiệm kỳ 2016-2020, có 336/715 (47%) đồng chí bí thư KLNĐP; 357/693 (51,5%) đồng chí chủ tịch KLNĐP. Các tỉnh Hà Giang, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh có 100% bí thư cấp huyện KLNĐP. Các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Khánh Hòa, Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh có 100% chủ tịch UBND cấp huyện KLNĐP.
Tỉnh Quảng Ninh đã bố trí đến nay có 11/14 (78,6%) bí thư huyện ủy; 9/14 (71,14%) chủ tịch UBND huyện thị, thành phố; 14/14 (100%) Trưởng Công an; 13/14 (92,8%) Viện trưởng Viện kiểm sát; 10/14 (71,4%) Chánh án Tòa án nhân dân; 6/14 (42,8%) Chánh Thanh tra; 6/14 (42,8%) Trưởng phòng Tài chính; 10/14 (71,4%) Chi cục trưởng Chi cục thuế KPLNĐP.
Tỉnh Thanh Hóa đã có 22 trong tổng số 27 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí một trong ba chức danh thường trực cấp ủy KPLNĐP (12 bí thư huyện ủy; 13 phó bí thư thường trực; 15 chủ tịch UBND huyện) năm 2018[4].
Như vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, cả tỉ lệ bí thư huyện ủy và Chủ tịch UBND KPNĐP đều tăng (7% bí thư huyện ủy KPLNĐP) và (gần 4% Chủ tịch UBND huyện KPLNĐP) so với nhiệm kỳ 2010-2015. Hiện nay tại các địa phương đang đẩy mạnh luân chuyển cán bộ gắn với bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện KPLNĐP theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII và NQTW7 khóa XII.
Từ kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tế về việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP gần đây cho thấy:
Một là, việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện KPLNĐP giúp thực hiện tốt mục tiêu là khắc phục hiện tượng bè phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, khép kín trong công tác cán bộ.
Hai là, việc bố trí này còn hướng tới giải quyết nhiều mục tiêu có ý nghĩa chiến lược khác là: đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, cán bộ dự nguồn quy hoạch; góp phần nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương; ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Ba là, việc bố trí các chức danh chủ chốt cấp tỉnh, huyện KPLNĐP như là bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát, thuế, thanh tra, hải quan là hợp lý. Tuy nhiên, một số chức danh khác như phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch HĐND, trưởng ban tổ chức, giám đốc sở nội vụ là người địa phương thì phù hợp hơn, bởi ở lâu, se hiểu người, hiểu địa phương hơn.
Bốn là, việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện KPLNĐP ở vùng núi, biên giới, đồng bào dân tộc cần cẩn trọng do tính đa dạng, phức tạp về dân cư, địa lý... đòi hỏi cán bộ phải là người địa phương để có hiểu biết cần thiết về văn hóa, phong tục tập quán, thông thạo ngôn ngữ, địa hình...
Tuy nhiên, thực tế triển khai thực chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động xây dựng kế hoạch bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP; chưa xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung công việc cần làm, tiến độ. Việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP chưa thực sự rộng rãi, thực chất và hiệu quả. Việc thực hiện lựa chọn, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để bố trí, sắp xếp các chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP còn nhiều bất hợp lý. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP chưa thực sự sâu sát, hiệu quả, kịp thời. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã chỉ ra: "Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp uỷ các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu.”[5]
Vấn đề đặt ra
Thứ nhất, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP trong cấp ủy các cấp còn chưa sâu sắc. Điều này khiến cho công tác này chưa được chú ý đúng mức cũng như việc thực hiện cũng chưa đồng bộ, nhất quán tại các địa phương. Hơn nữa, khái niệm thế nào là người địa phương, thế nào KPLNĐP vẫn chưa được thống nhất, việc phân biệt giữa luân chuyển cán bộ với bố trí cán bộ chưa rõ, chưa lập quy hoạch, kế hoạch cho việc bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP một cách hệ thống, bài bản. Việc tuyên truyền, quán triệt chủ trương chưa sâu rộng, hiệu quả.
Thứ hai, việc thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP trong đó có cấp huyện đã làm cho công tác này chưa được thực hiện bài bản, đồng bộ, thống nhất trong thời gian qua. Công tác đánh giá, lựa chọn, bố trí, hỗ trợ cán bộ chủ chốt KPLNĐP còn nhiều lúng túng. Do đó, cần thể chế hóa nội dung công tác bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP. Trung ương cần ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc quy hoạch, đánh giá, lựa chọn, bố trí, sử dụng, hỗ trợ, đãi ngộ cán bộ chủ chốt KPLNĐP, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7khóa XII.
Thứ ba, việc lựa chọn đúng cán bộ để bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP là hết sức quan trọng nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, cần tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả việc lựa chọn, đánh giá cán bộ.
Thứ tư, sự phối hợp giữa các cấp ủy, địa phương, đơn vị liên quan đến bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP là yếu tố quan trọng bảo đảm hiệu quả của công tác này nhưng thực hiện chưa thật tốt.
Thứ năm, thời gian qua việc sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP, trong đó có cấp huyện chưa được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng.
Thứ sáu, khắc phục bệnh ngại khổ của một số cán bộ không muốn nhận công tác ở địa phương và tình trạng lệch lạc, lợi dụng trong bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP vẫn còn. Cần làm tốt công tác tư tưởng, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm chế độ đãi ngộ cán bộ KPLNĐP.
Thứ bảy, chống bệnh cục bộ, địa phương không muốn tiếp nhận cán bộ người địa phương khác đến hoặc cô lập cán bộ được luân chuyển đến. Cần kết hợp tuyên truyền, vận động, đồng thời có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của địa phương tiếp nhận cán bộ KPLNĐP được bố trí.
Thứ tám, ngăn chặn tệ bè cánh, thân quen, cánh hẩu, lợi dụng luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP để bố trí người thân, cánh hẩu làm cán bộ lãnh đạo. Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này kết hợp với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa những vi phạm này.
Thứ chín, cơ chế, chính sách nào có thể hỗ trợ cán bộ KPLNĐP cả về mặt vật chất, điều kiện làm việc lẫn mặt tư tưởng, tinh thần cũng là vấn đề đặt ra.
Giải pháp
Để thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP trong thời gian tới cần thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:
Thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập là nhận thức chưa đầy đủ, thống nhất, thậm chí còn không đúng của các cấp ủy cũng như cán bộ, đảng viên, về công tác bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP. Vì vậy, thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy cũng như các cán bộ, đảng viên về vấn đề này là hết sức quan trọng và cấp bách.
Thể chế hóa chủ trương thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP tạo cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị.
Để thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện KPLNĐP, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là thể chế hóa chủ trương để tạo cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị.
Các chức danh chủ chốt khác (chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan) theo cơ chế bổ nhiệm theo ngành dọc, nên dễ thực hiện việc bố trí KPLNĐP, chỉ cần bổ sung một quy định về điều này trong các văn bản liên quan đến bổ nhiệm cán bộ ở các ngành này. Chủ tịch UBND cấp huyện do HĐND cùng cấp bầu và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn, nên thực hiện theo các quy định của Nhà nước.
Cần ban hành quy định xác định rõ các khái niệm "người địa phương”. Khi quy định thế nào là "cán bộ người địa phương” chủ yếu là xem xét lịch sử bản thân cán bộ, đồng thời cần xem xét cả gia đình của cán bộ. Theo đó, "cán bộ người địa phương” là cán bộ đang sinh sống (đăng ký hộ khẩu thường trú), trưởng thành (đã, đang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý) liên tục trong những năm gần đây tại địa phương, có quan hệ huyết thống (cha mẹ, anh chị em ruột, ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ nuôi như ruột thịt…) trong cùng địa phương. Những cán bộ được sinh ra tại địa phương và có các đặc điểm nêu trên đương nhiên càng là người địa phương. Cần xem xét không chỉ bản thân, mà cả về các mối quan hệ gia đình, họ hàng của cán bộ là vì, cùng với mục đích ngăn ngừa tư tưởng cục bộ địa phương, việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP còn nhằm giúp cán bộ không bị ràng buộc, chi phối bới các quan hệ gia đình, họ hàng trong quá trình công tác.
Cần nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh đối với bí thư cấp ủy cấp huyện nội dung: không là người địa phương; sửa đổi quy trình quy hoạch cán bộ gắn với luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ; sửa đổi Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và quy định về giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh chủ tịch UBND cấp huyện; sửa đổi các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến tiêu chuẩn về nguồn gốc trưởng thành của người được bầu cử, phê chuẩn giữ chức danh chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; sửa đổi cơ chế, chế độ chính sách để cán bộ chủ chốt cấp huyện là người địa phương đủ phẩm chất, năng lực và uy tín làm bí thư cấp ủy tại chỗ có động lực phấn đấu và cơ hội phát triển.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đánh giá cán bộ; ngăn chặn các tiêu cực trong công tác cán bộ.
Bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy lãnh đạo, quản lý, góp phần ngăn chặn và đảy lùi những vấn nạn tiêu cực, nhức nhối trong công cán bộ của Đảng ta những năm gần đây. Để thực hiện tốt chủ trương này cần phải tiến hành nhiều giải pháp công tác chính trị, tư tưởng, pháp luật khác nhau, trong đó phải thực hiện đồng bộ các khâu công tác cán bộ như: tiêu chuẩn hóa; đánh giá, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển, điều động; giới thiệu ứng cử và thực hiện chính sách cán bộ. Trong phạm vi đề xuất của mình, chúng tôi nhận thấy để thực hiện thành công chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP thì trong toàn bộ các khâu công tác cán bộ của Đảng hiện nay, nhất thiết phải làm tốt một số khâu trọng yếu sau đây: qui hoach; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển và đánh giá cán bộ trước, trong và sau bố trí, sử dụng cán bộ.
Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP.
Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, vừa bắt buộc, vừa khuyến khích đối với cán bộ được bố trí KPLNĐP để họ yên tâm công tác. Cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế kiểm soát và hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm giúp cán bộ khắc phục tâm lý sợ nhận nhiệm vụ ở những huyện khó khăn về kinh tế-xã hội, địa bàn xa xôi, xa gia đình... Bên cạnh đó, cần có cơ chế khích lệ và động viên cán bộ; có chế độ chính sách về nhà ở, chăm lo thích đáng hậu phương cán bộ công tác xa gia đình.
Cần xây dựng và thực hiện chế độ nhà ở công vụ thống nhất theo từng cấp ở Trung ương, tỉnh và huyện để tạo điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi cho cán bộ được bố trí từ các nơi khác đến. Căn cứ quy định hiện hành tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định và hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật Nhà ở, các địa phương, cơ quan, đơn vị lập dự án xây nhà công vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trung ương hỗ trợ kinh phí xây nhà công vụ ở cấp tỉnh; các tỉnh, thành hỗ trợ kinh phí xây nhà công vụ ở cấp huyện. Đối với cấp xã thì không xây nhà công vụ. Riêng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo hướng nâng cấp trụ sở làm việc có chỗ ở cho cán bộ luân chuyển. Những địa phương, cơ quan, đơn vị không xây nhà công vụ có thể bố trí cho cán bộ luân chuyển KPLNĐP ở tại nhà khách hoặc thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng để cán bộ thuê nhà ở.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP.
Kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP. Việc xây dựng quy hoạch phải xác định rõ các bước triển khai, kiểm soát được nội dung của mỗi bước. Việc kiểm tra cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời phát hiện những sơ xuất, thiếu sót để kịp thời bổ khuyết, điều chỉnh. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP.
Nhân tố có tính quyết định để thực hiện tốt các giải pháp bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP là sự nhận thức sâu sắc và ý thức trách nhiệm cao của cấp ủy Đảng các cấp, của đội ngũ cán bộ và sự chỉ đạo sâu sát, kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy cấp trên.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương khóa X, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2009, tr.274-275.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.63-64.
[3] Bá Thắng, Một số vấn đề đặt ra về bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 5-2018.
[4] Quốc Việt và Mai Luân, Khi cán bộ chủ chốt không phải người địa phương, Báo Nhân dân Điện tử, 9-8-2018.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 khóa XII
(Theo xaydungdang)