Đến dự có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Vũ Anh Quang, đại diện một số đại sứ quán nước ngoài đóng tại Bỉ và đại diện của một số cơ quan thuộc Nghị viện châu Âu.
Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ châu Âu hữu nghị với Việt Nam Jan Zahradil cho biết ưu tiên của Nhóm là hướng sự quan tâm của người dân châu Âu vào các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU và cuộc tọa đàm về vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam cũng nằm trong mục tiêu đó.
Tại cuộc tọa đàm, tiến sỹ Charles Bailey, cựu giám đốc chương trình chất độc da cam thuộc Viện Aspen, đã giới thiệu về cuốn sách được viết cùng với cộng sự người Việt Nam, tiến sỹ Lê Kế Sơn, với tựa đề "Từ kẻ thù tới đối tác: Việt Nam, Hoa Kỳ và chất độc da cam."
Thông qua cuốn sách, các tác giả đã nêu rõ những hậu quả nặng nề của chất diệt cỏ dioxin đối với con người cũng như môi trường Việt Nam trong 50 năm qua.
Lập trường của Việt Nam và Mỹ về chất độc da cam khác biệt trong nhiều năm và chỉ bắt đầu có thay đổi từ 2007, thời điểm hai nước đã cùng phối hợp trong nỗ lực giải quyết những hậu quả nặng nề do chất độc da cam gây ra cho đất nước và người dân Việt Nam.
Giai đoạn 2007-2018, Chính phủ Mỹ đã trích lập tổng cộng 136 triệu USD dành cho việc xử lý các hậu quả do chất độc da cam gây ra ở Việt Nam. Số tiền này được tập trung cho hoạt động làm sạch đất nhiễm dioxin tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc y tế cho các nạn nhân tại những khu vực bị phun rải chất độc nặng nề trong chiến tranh.
Trước công chúng châu Âu, tác giả đã trực tiếp kể về các cuộc gặp gỡ với những nạn nhân tàn tật, nhiều thế hệ cựu chiến binh cùng người dân địa phương, với những hình ảnh và câu chuyện cụ thể đầy thương tâm về hoàn cảnh của các nạn nhân chất độc dioxin.
Tác giả đánh giá quan hệ Việt Nam-Mỹ cũng thay đổi đáng kể khi hai bên cùng hợp tác giải quyết hậu quả của chất độc hại này gây ra tại Việt Nam và đây được coi như một thành tố của mối quan hệ đối tác toàn diện.
Tại hội nghị, các diễn giả thống nhất cho rằng nỗ lực giải quyết hậu quả chất da cam không chỉ dừng lại ở các dự án tẩy độc mà còn cần tiến hành đồng thời các hoạt động để cải tạo môi trường và đặc biệt là giúp đỡ dài hạn để ổn định cuộc sống cho các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam quốc tế chi nhánh tại Bỉ, bà Chris Keyskens chia sẻ bên cạnh các vấn đề mà ông Charles Bailey và đồng sự đã trực tiếp đề cập trong cuốn sách, những người tiến bộ rất quan tâm tới việc người Mỹ thực sự biết gì về chất độc da cam và cũng muốn đặt câu hỏi người Bỉ và châu Âu nói chung biết gì về chất độc nguy hiểm này.
Bà nhấn mạnh điều mà các nạn nhân ở Việt Nam cần hiện nay là việc hỗ trợ để họ có cuộc sống dễ dàng hơn.
Với các chương trình quyên góp tại Bỉ, đến cuối năm 2017, chi nhánh Bỉ của hội đã trao tặng cho các nạn nhân được tổng số tiền là 18.414 euro.
Trong khả năng của mình, Hội chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng mái ấm da cam, giúp trẻ là nạn nhân chất độc bị tàn tật đến trường và cấp vốn sản xuất cho các gia đình nạn nhân tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Vũ Anh Quang đánh giá buổi tọa đàm là một trong những sự kiện đáng chú ý của năm nay trong quan hệ EU-Việt Nam.
Ông khẳng định hoạt động diễn ra tại Nghị viện châu Âu là một trong những nỗ lực không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức của công chúng và đề xuất ra các giải pháp cho vấn đề xử lý hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
(Theo TTXVN)