Chủ tịch Quốc hội nhận bằng tiến sĩ danh dự chính trị học của Hàn Quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/12/2018 | 3:01:27 PM

Chủ tịch Quốc hội được trao bằng Tiến sỹ danh dự chính trị học của trường Đại học quốc gia Pukyung - trường đại học có uy tín và vị thế ở Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội nhận bằng tiến sĩ danh dự chính trị học tại trường Đại học quốc gia Pukyung
Chủ tịch Quốc hội nhận bằng tiến sĩ danh dự chính trị học tại trường Đại học quốc gia Pukyung

Sáng 5/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Đại học Quốc gia Pukyung, một trường đại học có uy tín, vị thế lớn tại Hàn Quốc. Tại đây, Ban lãnh đạo nhà trường đã trao bằng Tiến sỹ danh dự chính trị học cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu tại Lễ trao bằng Tiến sỹ danh dự, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ xúc động được Đại học quốc gia Pukyung trao tặng bằng Tiến sỹ danh dự ngành chính trị học; khẳng định, đây không chỉ là vinh dự đối với cá nhân Chủ tịch Quốc hội mà còn đối với Việt Nam khi có một nhà lãnh đạo cấp cao được Đại học Quốc gia Pukyung trao tặng bằng Tiến sỹ danh dự.

Điều quan trọng hơn, sự kiện này còn thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của Đại học quốc gia Pukyung đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam – nơi đã đào tạo rất nhiều sinh viên ưu tú của Việt Nam; là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 26 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có hợp tác về giáo dục, đào tạo.

Đại học Pukyung là trường đại học công lập lớn, có uy tín được thành lập trên cơ sở sáp nhập trường Đại học Thủy sản Busan và trường Đại học Công nghiệp Busan, trường đã đào tạo hàng chục nghìn lượt sinh viên, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng của Hàn Quốc.

Ngay sau buổi lễ trao bằng tiến sỹ, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tại trường. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình đó đã, đang đem lại cho đất nước nói chung và cho thanh niên nói riêng những thuận lợi, thời cơ đan xen.

Tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với tốc độ cao hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học - công nghệ.

Với cách mạng công nghiệp 4.0 này, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển. Đây đang được xem là cơ hội phát triển của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Trong xu thế chung đó, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vẫn đi đầu cả về tăng trưởng và liên kết kinh tế. Nhưng cùng với đó là các nhân tố gây bất ổn, rủi ro như chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại, chống toàn cầu hóa cũng tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam. 

Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng với đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu được ưu tiên trong chiến lược phát triển đất nước. Đó là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhanh và bền vững hay đứng lại, hoặc đi chậm hơn của nền kinh tế không riêng gì với Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới. Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn".

Cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế nhằm tạo môi trường thuận lợi và huy động nhiều nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới, trong đó có 2 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược, trong đó có Hàn Quốc và 11 đối tác toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo trường Đại học Pukyung Trong quan hệ chính trị - ngoại giao với các đối tác, mức độ hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau ngày càng được nâng cao và mở rộng, trong đó có ngoại giao nghị viện. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Việt Nam cũng tham gia ngày càng sâu rộng và chủ động vào các tiến trình khu vực và các công việc quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế là những nguồn lực quan trọng đưa nền kinh tế - xã hội Việt Nam không ngừng phát triển, từng bước hội nhập sâu vào khu vực và thế giới, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới của đất nước có hiệu quả hơn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với vị trí, vai trò là người chủ hiện tại và tương lai của nước nhà, thanh niên Việt Nam chiếm gần 30% dân số, là lực lượng sung mãn về thể lực, giàu khát vọng, hoài bão.

"Thanh niên là lực lượng lao động năng động, sáng tạo, chủ động học hỏi những cái mới, tiến bộ của nhân loại. Các bạn hãy học hỏi những điều hay, điều tốt đẹp và sự phát triển của Hàn Quốc để khi trở về nước, ứng dụng trong cuộc sống và đóng góp cho quê hương, đất nước. Vì thế, ý thức lập nghiệp phải hình thành ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học và cố gắng đạt nhiều hoài bão, ước mơ để chúng ta thực hiện được khi cầm tấm bằng đại học hay  vinh dự nhận được bằng cao học, Tiến sỹ từ đất nước Hàn Quốc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại buổi nói chuyện, Chủ tịch Quốc hội đã giải đáp những câu hỏi của các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Quốc gia Pukyung.

Chiều nay (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời thành phố Busan, đến thủ đô Seoul tiếp tục chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.

(Theo VOV)

Các tin khác
Cầu dây văng hiện đại Bách Lẫm mới khánh thành ở thành phố Yên Bái bắc qua sông Hồng

YBĐT - Vùng đất cửa ngõ Tây Bắc đi qua 60 năm kể từ ngày Bác Hồ đến thăm Yên Bái (9/1958), những lời căn dặn và mong muốn của Người đã được các thế hệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây nỗ lực tạo nên một bức tranh tươi sáng trên con đường hướng lên vị thế Ngôi sao Tây Bắc.

Trong kho tàng di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, có khoảng 50 bài viết, tác phẩm của Người bàn về vấn đề đạo đức. Nhiều tác phẩm cho đến nay vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự, trong đó có tác phẩm "Đạo đức cách mạng”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1958, với bút danh Trần Lực, đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), số 12.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thị trưởng thành phố Busan.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn chính quyền thành phố Busan đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm ăn tại địa phương.

Đông đảo cử tri thành phố Yên Bái tham dự cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

YBĐT - Thường trực HĐND tỉnh đã chuẩn bị tốt các nội dung trình Kỳ họp và các điều kiện tổ chức Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII trong các ngày 6, 7 và 8/12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục