Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
Quán triệt quan điểm đó, những năm qua, cùng với việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng thực hiện công tác dân tộc, đặc biệt là các chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn. Nhờ đó, đã phát huy vai trò to lớn của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh địa phương.
Là tỉnh có đông đồng bào các DTTS (chiếm 55,5% dân số), công tác dân tộc và các chính sách dân tộc được tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ. Các chương trình: 134, 135; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS… được các cấp, ngành triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào.
Đặc biệt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,9%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 26,24%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng đạt 47,04%; thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 4,82%; thu ngân sách đạt 2.900 tỷ đồng, bằng 130,7% kế hoạch năm, tăng 15,3% so với năm 2017.
Đổi mới cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt con số 46 xã, vượt mục tiêu Nghị quyết.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nổi bật là hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, tạo sự đổi thay rõ rệt từ thành thị đến nông thôn. Tốc độ thu ngân sách bình quân hàng năm tăng trên 20%, tạo nguồn lực đáng kể cho đầu tư phát triển.
Văn hóa - xã hội có tiến bộ mới; an sinh xã hội được quan tâm chăm lo; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều vượt so với kế hoạch, bình quân trong hai năm 2016 - 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,12%/năm; năm 2018 dự kiến giảm 4,29%.
Trong đó, hai huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải, mỗi năm giảm 6% vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Hệ thống mạng lưới trường, lớp giáo dục và đào tạo được sắp xếp, củng cố; chất lượng, hiệu quả giáo dục được nâng lên.
Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 50 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh bán trú với tổng số 22.318 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ.
Lĩnh vực y tế hiện đã có 105 xã đạt tiêu chí quốc gia y tế xã, chiếm 58,3% tổng số xã của tỉnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chăm lo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tập trung thực hiện đồng bộ việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả; giữ nghiêm kỷ cương của Đảng; dân chủ cơ sở được phát huy.
Những thành tích đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 120 người có uy tín tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương năm 2018. Đội ngũ những người có uy tín đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền của địa phương với đồng bào dân tộc. Họ là những tấm gương sáng, đi đầu, hướng dẫn và cùng với đồng bào các dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ rừng…
Nắm chắc tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ an ninh, trật tự ở địa phương.
Đặc biệt, đã tích cực tuyên truyền, định hướng đúng đắn tư tưởng cho nhân dân trước âm mưu "Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng thế trận toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đấu tranh xóa bỏ tà đạo, đạo lạ, các tổ chức bất hợp pháp tuyên truyền trái phép vào địa phương, giữ vững ổn định trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái đang ra sức phấn đấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS với những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của tỉnh, trong đó, có vai trò quan trọng của những người có uy tín và tập trung vào các vấn đề trọng tâm:
Một là, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh đầu tư về mọi mặt để xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng đồng bào DTTS; tiếp nhận, triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư cho miền núi, vùng cao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các DTTS, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt quan tâm vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân.
Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về dân tộc và công tác dân tộc, đặc biệt là vai trò, vị trí của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong sự nghiệp đổi mới.
Thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đồng bào DTTS, trong đó, có chính sách đối với người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ba là, đề nghị đội ngũ người có uy tín tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục…
Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục, nạn mê tín dị đoan, xây dựng thôn, bản vững mạnh về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Nông Thị Kim Cúc – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phụ trách Ban