Việc làm của họ đã tác động tới tư tưởng quần chúng, tiếp tay cho các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng vào các chiến dịch phản tuyên truyền, các hoạt động gây nguy hại tới an ninh đất nước và trật tự an toàn xã hội, đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Tùy theo mức độ sai phạm mà có hình thức xử lý bằng luật pháp, cảnh cáo răn đe hoặc cảm hóa giáo dục. Việc làm đó là tất yếu của mọi nhà nước pháp quyền.
Nguồn gốc dẫn tới hiện tượng trên, chính là hệ lụy từ chiến lược "Diễn biến hòa bình” (của các thế lực thù địch. Đặc biệt là diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa mà mục tiêu của nó là: Tấn công vào nền tảng học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tạo ra biến đổi quan điểm lập trường tư tưởng bằng hình thức tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Việc ông Chu Hảo, một trí thức tầm cỡ, được đào tạo cơ bản và được giao trọng trách chủ chốt ở một ngành quan trọng, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đã minh chứng điều đó.
Việc kỷ luật ông Chu Hảo, thiết nghĩ đó là việc làm bình thường trong công tác xây dựng Đảng. Một cán bộ, đảng viên cỡ ông Chu Hảo do khuyết điểm, sai lầm, bị kỷ luật đâu phải là hiện tượng cá biệt để đến nỗi mấy tuần qua các thế lực thù địch và những người đồng quan điểm với đương sự lại dấy lên thành cao trào bênh vực như thế!
Với truyền thống trên tám mươi năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam - người tổ chức mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, thì dù trong chiến tranh vệ quốc hay xây dựng đất nước trong hòa bình, Đảng luôn đề cao công tác xây dựng đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng. Điều đó đã được thể hiện trong văn kiện của mỗi kỳ đại hội. Đặc biệt là Văn kiện Hội nghị Trung ương 8 vừa qua.
Cán bộ, đảng viên có công thì được khen thưởng, có khuyết điểm, vi phạm pháp luật phải bị xử lý tùy theo mức độ sai phạm, bất kể người đó ở cương vị nào.
Xin nêu một ví dụ nhỏ
Vừa qua Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Đánh giá về quá trình thực hiện quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Hội nghị xác định bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Kỷ luật đảng được đề cao góp phần ngăn chặn hiện tượng suy thoái biến chất, hiện tượng tham ô, tham nhũng tiêu cực, củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Chỉ tính thời điểm 2 năm trở lại đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra các cơ quan, ban, ngành và địa phương cùng các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật trên 400 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm, có nhiều cán bộ, đảng viên đương chức và đã nghỉ hưu. Mà trong số đó, có không ít người là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có người là Ủy viên Bộ Chính trị.
Một con số đáng lưu ý, số cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật vào thời điểm 2 năm qua lên tới 59 người (hẳn nhiên ông Chu Hảo nằm trong diện này bởi ông từng mang hàm cấp thứ trưởng của một bộ). Cũng trong số 59 người bị kỷ luật đó có 13 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Có 1 Ủy viên Bộ Chính trị bị trai khừ khỏi Đảng và truy tố trước pháp luật.
Còn nhớ, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, do chịu ảnh hưởng tác động chiến tranh tâm lý, hoạt động phá hoại tư tưởng (thực chất là âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của địch), cộng với sự ngộ nhận về đổi mới, dẫn tới lợi dụng sự đổi mới, lợi dụng tự do - dân chủ mà một số người đã sưu tầm, biên soạn, tàng trữ, tán phát hàng trăm tài liệu có nội dung xấu nhằm phủ định học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định lịch sử, phủ định quá khứ; phủ định thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta; phủ định thành tựu công cuộc đổi mới; tuyên truyền cho chế độ đa nguyên, đa đảng; kích động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc; lợi dụng hiện tượng tiêu cực liên quan tới cán bộ, đảng viên như tham ô, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, vi phạm tự do dân chủ... để tuyên truyền kích động vu cáo xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thời đó cũng không khác ngày nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã a dua a tòng làm theo mà trong đó có cả đảng viên thuộc bậc lão thành cách mạng. Tệ hại hơn, có một số đảng viên đã từ bỏ con đường lý tưởng của mình tham gia vào đảng phái phản động như "đảng nhân dân hành động” của Nguyễn Sĩ Bình. Việc làm của họ há chẳng phải đã bị "ngấm đòn” tự diễn biến, tự chuyển hóa tư tưởng!
Cố nhiên việc làm của họ đều bị xử lý bằng luật pháp, các văn bản dưới luật hoặc xử lí hành chính để răn đe, giáo dục. Vì vậy, cũng thời đó, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã hùa nhau tạo thành các chiến dịch tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người "bất đồng chính kiến”.
Chuyện xưa quyện với ngày nay. Tuy hai giai đoạn khác nhau nhưng gốc gác vấn đề chỉ là một. Nó bắt nguồn từ chiến lược diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa chống Việt Nam, tạo nên hiện tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong một bộ phận quần chúng.
Vì vậy, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh chống biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa là thiết thực góp phần ổn định tư tưởng quần chúng, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự đưa đất nước giành nhiều thắng lợi trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế.
(Theo CAND)