Từ hơn 1 năm nay đã rất nhiều ý kiến xung quanh Luật An ninh mạng; từ ủng hộ, phê phán đến đóng góp xây dựng... Đó là điều hoàn toàn bình thường bởi đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, tác động đến nhiều người, nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực khác nhau. Vấn đề cốt lõi là mạng xã hội rất cần có một hành lang pháp lý để tồn tại và phát triển đúng hướng.
Thừa hưởng những phát minh mang tính đột phá của khoa học - công nghệ, mạng xã hội phát triển cực kỳ nhanh chóng, Bên cạnh những cái hay, cái tốt, sự tiện lợi và nhanh chóng, mạng xã hội cũng đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện nay mỗi năm nước ta phải đối phó với hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ ngày càng tăng. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin xấu, độc, kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, lật đổ chính quyền, khủng bố...
Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, bôi nhọ, vu khống tổ chức và cá nhân... diễn ra tràn lan nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.
Thực tiễn trên cho thấy, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để đảm bảo an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Qua đó, bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh...
Với 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân, Luật An ninh mạng ra đời có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật chống phá Đảng, Nhà nước; các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội; các hành vi tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng và các hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử...
Không giống như những luận điệu mà bọn phản động đã từng tuyên truyên, xuyên tạc, Luật An ninh mạng của nước ta không ngăn cản, không xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân; các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh... vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng mà không bị ngăn cản, cấm đoán, miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam; công dân có thể làm bất cứ điều gì trên không gian mạng mà pháp luật Việt Nam không cấm!
Không những thế, Luật An ninh mạng còn bảo vệ các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi mua bán, kinh doanh, trao đổi trên không gian mạng.
Từ những quy định cụ thể, chi tiết này, mọi người có thể hiểu được vì sao các thế lực thù địch và bọn phản động đã không ngừng kích động, lôi kéo người dân phản đối dự thảo Luật An ninh mạng bởi chúng rất sợ Luật ra đời sẽ là công cụ thép đối kháng với chiêu trò tự do bịa đặt, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.
Có thể nói, Luật An ninh mạng ra đời là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống, phù hợp với công ước quốc tế, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, ngăn chặn các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Từ những ý nghĩa tốt đẹp đó, mỗi người dân cần hiểu rõ Luật An ninh mạng, có trách nhiệm chấp hành đúng các điều khoản đã quy định và cùng có trách nhiệm bảo vệ, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi, luận điệu, bóp méo, xuyên tạc, phản đối Luật An ninh mạng của các phần tử xấu và các thế lực thù địch.
Lê Phiên