44 năm đã trôi qua, kể từ thời khắc lịch sử 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, nhưng hình ảnh tươi thắm của lá cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nóc dinh Độc Lập trong mùa xuân đại thắng vẫn in sâu trong tâm trí hàng chục triệu trái tim mỗi người dân Việt Nam yêu tự do, hòa bình.
Với thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến thắng rực rỡ của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta, dân tộc ta đã chính thức bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng. Quân và dân ta đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung hãn nhất của loài người tiến bộ, kết thúc oanh liệt cuộc chiến 30 năm giành độc lập tự do.
Hôm nay, dư âm của chiến thắng oanh liệt đó vẫn luôn là động lực tinh thần to lớn cổ vũ, khích lệ dân tộc ta kiên định, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thi đua lao động, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Quả thực, có trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, có chứng kiến cảnh hai miền đất nước bị chia cắt mới thấu hiểu được ý nghĩa to lớn của cuộc chiến vĩ đại, mới cảm nhận hết giá trị sâu sắc và nhân văn của những năm tháng hòa bình, thống nhất.
Vì hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ mà hôm nay mỗi người dân sinh sống trên dải đất hình chữ S này càng trân trọng giá trị của độc lập, tự do bao nhiêu, càng ra sức lao động, cống hiến, vun đắp cho những thành quả có được sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
Trên quê hương Yên Bái cũng vậy. Hơn 30 dân tộc anh em cũng cùng chung với quyết tâm phấn đấu ấy. Suốt những năm trường đánh Mỹ, cùng với các tỉnh phía Bắc, hậu phương Yên Bái đã chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt gần 290.000 tấn lương thực và 150.000 tấn thực phẩm. Riêng trong 10 năm (từ 1965 - 1975), gần 25.000 con em các dân tộc trong tỉnh đã tình nguyện xung phong vào Nam chiến đấu, góp phần cùng quân dân cả nước đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng miền Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi chưa được bao lâu, cùng nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân Yên Bái lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới suốt 10 năm, để một lần nữa tô thắm thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc, quét sạch bóng xâm lăng ra khỏi bờ cõi đất nước, giữ cho mùa hoa đào trên khắp vùng biên ải thiêng liêng mãi rực rỡ, đỏ tươi khoe sắc thắm mấy mươi mùa xuân qua.
Đi lên từ mùa xuân đại thắng, cùng với cả nước, tỉnh Yên Bái đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để hôm nay bước những bước tiến dài trên hành trình xây dựng quê hương trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn khắc ghi lời Bác dạy, đoàn kết một lòng, nỗ lực, hăng say lao động, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, hành động; biến ước mơ thành hiện thực với những thành quả đáng trân trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Trong chiều dài lịch sử 119 năm thành lập tỉnh, có lẽ chặng đường 44 năm kể từ mùa xuân đại thắng và 33 năm góp sức cho thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước là khoảng thời gian Yên Bái ghi được nhiều dấu ấn quan trọng nhất.
Từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều… đến nay, Yên Bái đã bứt phá ngoạn mục và ghi tên mình vào danh sách những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất nhì khu vực.
Nếu như năm 2017, còn đứng ở vị trí 46/63 tỉnh, thành phố thì chỉ một năm sau, Yên Bái đã tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhờ những nỗ lực vượt bậc trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư… để vươn lên đứng ở vị trí 42/63 tỉnh, thành cả nước.
Theo đó, bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng khởi sắc, với hàng chục dự án đầu tư có tổng số vốn lên tới trên 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay trong quý I/2019, đã có 11 nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu, khảo sát và lập dự án tại Yên Bái.
Động lực đó, đã giúp cho tất cả Bộ phận Phục vụ Hành chính công của tỉnh cùng đồng loạt ra mắt tại 9/9 huyện, thị, thành phố và 100% xã, phường ngay trong ngày đầu tiên của quý II/2019, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu được phục vụ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Yên Bái đang thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu đều được tỉnh đảm bảo tiến độ, trong đó, có 5/21 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá với mức bình quân chung 3 năm đạt gần 6,4%, chất lượng tăng trưởng được nâng lên rõ rệt.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 33,6 triệu đồng, tăng 8,6 triệu đồng so với năm 2015.
Nhờ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, đến nay, toàn tỉnh đã có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29% tổng số xã của tỉnh, vượt 84% mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Đó cũng là tiền đề quan trọng để Yên Bái phấn đấu hết năm 2019, có 64 xã và huyện Trấn Yên đạt tiêu chí nông thôn mới.
Một dấu ấn vô cùng quan trọng nữa của Yên Bái, đó là thành tích đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng (63%). Nhờ thành tích này, ngày mùng 6 tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự lễ phát động và tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại thôn 4, xã Việt Cường - vùng đất chiến khu cách mạng của huyện Trấn Yên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Không khí vui tươi, phấn khởi của buổi lễ đã khiến phong trào trồng cây gây rừng nhanh chóng lan tỏa khắp các làng bản, thôn xóm, khắp các huyện, thị, thành phố từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh, bởi đây là lần đầu tiên đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái được trực tiếp tham gia Tết trồng cây với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang ra sức phấn đấu và quyết tâm năm 2019 sẽ đạt kết quả cao hơn năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực như lời chúc đầu xuân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ngay trong buổi làm việc đầu tiên của năm mới.
Thành quả đó, quyết tâm đó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã và đang được cụ thể hóa bằng Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 37 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngay trong năm 2019, góp phần cùng cả nước kết thành đài hoa tươi thắm dâng lên Đảng, lên Bác kính yêu trong mùa xuân Canh Tý 2020 và mừng kỷ niệm tròn 45 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Thanh Hương