Mệnh lệnh sống còn
Theo Đại tá Hồ Sơn Đài, mặc dù tất cả các sử liệu đều khẳng định cực Nam lãnh hải của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, Trung Quốc bắt đầu có những động thái tuyên truyền trước cộng đồng quốc tế rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (gọi là Tây Sa và Nam Sa).
Từ năm 1974, họ không ngừng lấn chiếm trái phép từ phía Đông cho đến phía Tây quần đảo Hoàng Sa và tiến dần xuống Trường Sa. Ngoài Trung Quốc, còn có một số nước và vùng lãnh thổ khác tuyên bố chủ quyền và có quân đội đóng tại Trường Sa như Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei (tuyên bố chủ quyền nhưng không có quân đội đóng giữ).
Nắm tình hình trong nước và quốc tế, với tầm nhìn của một vị tướng dạn dày kinh nghiệm, cuối tháng 2-1987, Đại tướng Lê Đức Anh một mặt chỉ đạo Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra đóng giữ bãi đá ngầm Thuyền Chài, một mặt trình lên Trung ương chủ trương và kế hoạch giữ đảo. Kế hoạch được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê chuẩn ngày 20-3-1987. Ngay lập tức, ông xuống Hải Phòng làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và chỉ thị: "Cần thấy rõ vị trí chiến lược của biển Đông. Trước tiên phải lo phòng thủ Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết, suy nghĩ mọi cách để xây dựng hải quân mạnh như mong muốn của toàn quân”.
Trên cơ sở kế hoạch đóng giữ các bãi đá ngầm tại Trường Sa do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị đã được đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư, phê duyệt, nên ngày 6-11-1987, Đại tướng Lê Đức Anh ký ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân: "Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên; trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập, Đá Lớn, Đá Tiên Nữ...”.
Ánh mắt trầm ngâm hướng về hình ảnh vị Đại tướng dung dị trong tập tài liệu, Đại tá Hồ Sơn Đài cho biết, thời điểm này, trên các quần đảo của ta diễn biến rất phức tạp, đây cũng là thời điểm khó khăn đối với Đại tướng Lê Đức Anh.
Lật giở cuốn sách thứ 2 "Hồi ký Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” còn đang hoàn thiện, Đại tá Hồ Sơn Đài tiếp câu chuyện: Cuối năm 1987, theo mệnh lệnh của Đại tướng, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập... nhưng gió to sóng lớn, các con tàu vận tải nhỏ của hải quân bị đứt neo, phải trở về căn cứ.
Sau khi nhận tàu và được trang bị thêm vật tư, đêm 13 rạng ngày 14-3-1988, Quân chủng Hải quân chỉ đạo lực lượng tàu vận tải và bộ đội công binh đến đóng giữ 3 bãi đá ngầm: Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin ở phía Nam cụm đảo Sinh Tồn. Nhưng cũng ngay trong đêm 13-3, Trung Quốc đã điều 5 tàu đến khu vực này. Quân ta cắm cờ, quân Trung Quốc với thế áp đảo về lực lượng lao lên hạ cờ. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong thế tương quan lực lượng không ngang sức. Hải quân Việt Nam giữ được các đảo Cô Lin và Len Đao, 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng, 3 tàu bị bắn cháy và chìm. Trung Quốc chiếm được đảo Gạc Ma.
Nhận định về bối cảnh đất nước giai đoạn 1987-1989, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh (khi đó là Đại úy Trợ lý Phòng Công binh Hải quân) cho biết thêm, thời điểm đó, Việt Nam vẫn đang có xung đột ở biên giới phía Bắc, đồng thời cắt cử lực lượng giúp nước bạn Campuchia. Khi ta đưa quân giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, các nước cho rằng ta xâm lược Campuchia nên có những hành động cô lập nước ta. Nền kinh tế đất nước vô cùng khó khăn do đang bị bao vây, cấm vận; trong khi lực lượng hải quân tác chiến trên biển xa và chi viện của không quân còn rất hạn chế. Có thể nói, đây là giai đoạn mà Tổ quốc gặp khó khăn nhất.
Lời thề giữ đảo
Sự kiện Gạc Ma gây xúc động lớn trong nhân dân Việt Nam và dư luận tiến bộ thế giới. Ngay sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã có chuyến thị sát, động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Tại đây, ông chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống của quân chủng ngay tại đảo, bên cột mốc có dòng chữ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đi tận nơi, nhìn tận mắt và trải nghiệm những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh nhận định, phải giữ đảo, giữ vùng biển của Tổ quốc để những hy sinh của các chiến sĩ không uổng phí.
"Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế... Chúng ta xin thề, trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhủ với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!”, Đại tá Hồ Sơn Đài nhắc lại lời phát biểu của Đại tướng giữa biển trời của Tổ quốc.
Trở về từ Trường Sa, Đại tướng đã ký ban hành Mệnh lệnh số 167/ML-QP ngày 29-3-1989 về đóng giữ, bảo vệ khu vực thềm lục địa, bãi đá ngầm ở Trường Sa. Ông chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng lại và xây mới nhà giàn nổi tại các đảo chìm; đồng thời chỉ đạo các quân chủng, binh chủng (Hải quân, Không quân, Phòng không, Đặc công, Thông tin) xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập thực binh chi viện đảo, nhà giàn và hoàn chỉnh các phương án phòng thủ biển đảo.
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết thêm, Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng tài ba, có tầm nhìn và sắc bén trong chiến lược. Sau khi chiếm đóng Gạc Ma, Trung Quốc còn cho tàu xuống thăm dò và có mưu đồ lấn chiếm thềm lục địa phía Tây Nam (DK1) của nước ta. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký Văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực DK1. Thực hiện chỉ đạo, Đại tướng giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương khẩn cấp triển khai Lữ đoàn 171 khảo sát khu vực DK1. Qua đó, các lực lượng đã khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000km², tìm ra 6 bãi đá ngầm san hô. Từ những dữ liệu đó, hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng.
Theo Đại tá Nguyễn Quí, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án DK1 (trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh), nhiệm vụ thiết kế, gia công, lắp đặt các nhà giàn trên biển khu vực DK1 là tuyệt mật. Thiếu tướng Vũ Trọng Hà, nguyên Tư lệnh Công binh, là người nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Đại tướng rồi về triển khai cho Ban Quản lý dự án DK1. Từ năm 1989 đến năm 1998 có 19 nhà giàn DK1 được lắp dựng.
Đến nay, biển đảo Việt Nam luôn được giữ vững. Thành tựu ấy xuất phát từ truyền thống đấu tranh giữ nước của tổ tiên, từ đường lối đúng đắn của Đảng, từ sức lực của toàn dân, và từ sự can trường, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân. Thành tựu ấy cũng có một phần đóng góp từ tầm nhìn và sự chỉ đạo của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh trong những năm 1987-1989.
Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Thừa Thiên - Huế
Sáng 1-5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lễ Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, cũng được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh.
Theo đó, lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 3-5; lễ truy điệu lúc 11 giờ cùng ngày tại Hội trường HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 16 Lê Lợi, TP Huế. Ban tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu chuẩn bị vòng hoa vào viếng, các đoàn chuẩn bị băng cài lên vòng hoa viếng của đoàn mình. Nguyện vọng gia đình xin được miễn nhận tiền phúng viếng, chấp điếu của cá nhân, tổ chức khi đến viếng tang. |
(Theo SGGP)