Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Yên Bình.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 - NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh uỷ, kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực. Đa số cán bộ, đảng viên, xã viên và người lao động trong hợp tác xã (HTX) đã nhận thức rõ hơn quan điểm, đường lối phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước; việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tập thể đã đạt được kết quả nhất định.
Đặc biệt từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, khu vực kinh tế tập thể tỉnh đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế ngày càng được củng cố và khẳng định, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã hình thành và phát triển, kinh doanh hiệu quả.
Đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 332 HTX (tăng 58% so với năm 2003) với tổng số 25.053 thành viên, tổng vốn điều lệ 626,1 tỷ đồng; vốn hoạt động là 1.828 tỷ đồng, tăng 17,7 lần so với năm 2003. Lợi nhuận bình quân đạt 420 triệu đồng/HTX, nộp ngân sách Nhà nước đạt 32,8 tỷ đồng, tăng trên 20 lần so với năm 2003. Số HTX hoạt động hiệu quả là 173, tăng 37,3% so với năm 2003. Các HTX tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7.200 thành viên và người lao động.
Mặc dù số lượng các HTX đã tăng, chất lượng hoạt động của nhiều HTX đã nâng lên song chưa vững chắc; một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể triển khai chưa kịp thời; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập kinh tế... Đến 31/12/2018, toàn tỉnh vẫn còn 43 HTX ngừng hoạt động chưa chuyển đổi tổ chức lại theo Luật HTX 2012.
Tại buổi làm việc, tỉnh Yên Bái kiến nghị với đoàn công tác tới Chính phủ, các bộ, ngành một số vấn đề như: cần có chính sách hỗ trợ vốn giúp các HTX, tổ hợp tác được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương, địa phương; có chính sách xử lý nợ thuế đối với các HTX nợ thuế hiện đã ngừng hoạt động trong thời gian dài chưa giải thể được theo quy định của Luật HTX năm 2012.
Tỉnh cũng đề nghị có ban hành hướng dẫn quy trình, hồ sơ thủ tục hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng để các HTX nông nghiệp được tiếp cận, hưởng chính sách theo quy định; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết xử lý dứt điểm các trường hợp HTX không đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 và các trường hợp HTX phải giải thể nhưng còn vướng mắc về công nợ, tài sản chung…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh đã thông tin tới đoàn công tác về mục tiêu và các giải pháp phát triển HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác; củng cố, phát triển các HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của HTX trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các bộ, ngành tiếp tục quan tâm giúp đỡ Yên Bái cũng như các tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể để đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Đồng chí Phùng Quốc Chí - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh
Thay mặt đoàn công tác, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã Phùng Quốc Chí đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của tỉnh Yên Bái. Trên cơ sở đó, cùng với việc khảo sát thực tế tại cơ sở, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo Trung ương để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW trong thời gian tới.
Trước đó, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế mô hình tại HTX 6/12, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên và HTX Sản xuất, chế biến chè Hương Lý, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.
Đức Toàn