Sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo thường xuyên và quyết liệt của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đối với công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ, Yên Bái đã đào tạo, bồi dưỡng, phát triển được một đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cả về số lượng và chất lượng.
Năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV có Nghị quyết số 04 về chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi và đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Năm 2012, Tỉnh ủy có Đề án số 08 về đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học.
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tỉnh Yên Bái có tổng số 25.686 cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp. Trong đó, cán bộ nữ có 11.305 người; cán bộ người dân tộc thiểu số có 7.870 người; cán bộ trẻ dưới 35 tuổi có 9.880 người. Số cán bộ trẻ có 1.553 người có trình độ đại học (hệ chính quy) trở lên, trong đó có 153 người có trình độ chuyên môn trên đại học và có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó cao cấp có 32 người, trung cấp có 209 người.
Thực tiễn cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Yên Bái rất phong phú, nhưng không phải tất cả đều có thể đưa vào quy hoạch bởi số đông còn thiếu các tiêu chí.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 cho biết, công tác quy hoạch cán bộ tiến hành rất công phu, thận trọng chính xác trong từng khâu để bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với cơ cấu trong công tác cán bộ. Tỉnh ủy đã quan tâm sâu sắc, thường xuyên đến công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá có tính quyết định đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Phát huy kết quả của các nghị quyết, đề án về công tác cán bộ, năm 2013, Tỉnh ủy xây dựng tiếp Đề án số 11 về đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã phường giai đoạn 2012-2020. Đối chiếu với tiêu chuẩn nhiều người còn thiếu tiêu chí về trình độ văn hóa, thiếu về trình độ lý luận chính trị, thiếu về trình độ chuyên môn, có người đủ nhiều tiêu chí nhưng thực tiễn công tác không thể hiện được năng lực, thiếu sáng tạo trong chuyên môn và thiếu tư duy lãnh đạo, quản lý. Muốn đưa cán bộ vào quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là từ cấp huyện trở lên đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ.
Nói một cách chính xác là nơi nào cấp ủy quan tâm, thì nơi đó có nguồn cán bộ có chất lượng để đưa vào quy hoạch và ngược lại nơi nào cấp ủy thiếu quan tâm thì nơi đó không có cán bộ đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch. Đưa vào quy hoạch để tiếp tục bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện kể cả sàng lọc, đưa vào quy hoạch rồi vẫn phải tiếp tục sàng lọc nếu có vi phạm.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ kết nạp được trên 10.704 đảng viên mới, nhưng cũng phải thi hành kỷ luật 861 đảng viên, trong đó có cả cán bộ đã được đưa vào quy hoạch nên phải sàng lọc đưa ra khỏi quy hoạch, có người được bổ nhiệm rồi phải cách chức hoặc chuyển sang công tác khác.
Huyện Trạm Tấu là một trong hai huyện vùng cao của tỉnh khó khăn nhiều mặt, nhưng cấp ủy các cấp rất quan tâm đến công tác cán bộ. Chỉ tính riêng trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của BCHTW khóa X, huyện mở 150 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 9.100 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2010 - 2018, đã cử 162 cán bộ chủ chốt cấp huyện đi đào tạo chuyên môn, 29 cán bộ đi học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, 55 cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị.
Đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Toàn huyện có 30 tổ chức cơ sở Đảng, tất cả 69 thôn, bản đều có chi bộ Đảng, năng lực lãnh đạo từng bước được nâng cao.
Điển hình là Tráng A Hồ - người Mông, Chủ tịch UBND xã Bản Công được đào tạo cử nhân chuyên ngành và trung cấp lý luận chính trị trở về địa phương hoạt động rất năng nổ, có hiệu quả, được Đảng bộ tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư và được HĐND xã bầu giữ chức Chủ tịch UBND khi mới 26 tuổi đời.
Văn Yên tuy là huyện vùng thấp nhưng có nhiều xã thuộc vùng cao có nhiều khó khăn, các cấp ủy coi công tác xây dựng Đảng đặc biệt là công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của địa phương.
Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt từng bước thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo tiêu chí. Những cán bộ chưa cập chuẩn về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, được cử đi đào tạo về văn hóa, chuyên môn. Những cán bộ, đảng viên nằm trong phương án quy hoạch được cử đi đào tạo bồi dưỡng cả về chuyên môn, cả về lý luận chính trị, theo hướng trẻ hóa mạnh mẽ đội ngũ cán bộ.
Trong 10 năm thực hiện NQ 22 của Trung ương Đảng khóa X, huyện đã chuẩn hóa về trình độ văn hóa cho 43 cấp ủy cơ sở; đào tạo chuyên môn đại học cho 40 người; đào tạo lý luận chính trị cao cấp cho 12 người; đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 51 người là cấp ủy viên cơ sở và diện trong phương án quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và cấp huyện.
Đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và lý luận chính trị huyện đã bố trí phân công cán bộ về cơ sở để thử thách rèn luyện, nắm bắt thực tiễn, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sức sáng tạo và cũng từ đó hình thành tố chất của người lãnh đạo, người quản lý. Trong vòng 5 năm gần đây, huyện đã điều động 17 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã, 5 người từ xã lên công tác ở huyện hoặc luân chuyển từ xã này sang xã khác.
Trong số cán bộ huyện điều về xã có đồng chí Nguyễn Thượng Phi – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy về làm Bí thư Đảng ủy xã vùng cao Phong Dụ Thượng; Trần Long Giang học vị tiến sĩ, giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện về làm Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thắng; hai cán bộ Huyện đoàn về làm Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Hạ và Phó Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thíp; điều động Phó chánh Văn phòng Huyện ủy về làm Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn.
Trong vòng 10 năm trở lại đây với tinh thần khuyến khích người tài, huyện đã tiếp nhận 158 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng từ loại khá trở lên thuộc các chuyên ngành về công tác tại huyện và cơ sở.
Những cán bộ được điều động về công tác ở cơ sở được giao việc để rèn luyện trong thực tiễn và thể hiện khả năng của mình, đã phát huy tác dụng tích cực, xây dựng được lòng tin trong Đảng bộ và nhân dân nơi công tác.
Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thị xã, thành phố và các huyện khác đều coi trọng công tác cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ được đào tạo chuyên môn, đào tạo lý luận chính trị; đào tạo về quản lý Nhà nước và thường xuyên được cập nhật những kiến thức mới, xu thế phát triển mới như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về sự bùng nổ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, về kinh tế trí thức, kinh tế số… và tình hình mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa về công tác xây dựng Đảng, Yên Bái đã đào tạo bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ có chất lượng ngày càng cao để đưa vào quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Nhiệm kỳ 2015-2020, có 520 người được đưa vào quy hoạch, trong đó có 183 người có trình độ chuyên môn trên đại học, còn lại đều là đại học.
Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp có 337 người, trung cấp 146 người; chưa qua đào tạo 37 người. Trong đó cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) có 178 người, trẻ dưới 35 tuổi có 39 người. Trên đây là cán bộ nằm trong quy hoạch, thực tế số cán bộ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến hết năm 2018 có 421 người. Trong đó, công tác ở cấp tỉnh có 270 người; cấp huyện 151 người.
Về trình độ chuyên môn có 80 người trên đại học, 340 người đại học; về trình độ lý luận chính trị: cao cấp có 386 người; trình độ trung cấp có 35 người; cán bộ trẻ có 27 người, tham gia cấp ủy ở thời điểm hiện tại có 3 người trên tổng số 49 Ủy viên BCH Đảng bộ; cán bộ nữ có 47 người; cán bộ người dân tộc thiểu số có 77 người.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí cho rằng: thực tế công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ hiện nay cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có sự phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng; hầu hết cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực thực tiễn, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác; cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số không ít đã thể hiện rõ năng lực phấn đấu, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, coi đó như một chủ trương, biện pháp để tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ của tỉnh còn những hạn chế cần nỗ lực khắc phục, đó là: một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc tham gia cấp ủy, chính quyền chưa cao. Tính đến hết năm 2018, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia cấp ủy tỉnh mới đạt 6,1% cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số mới đạt 28,6%.
Đáng lưu ý là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi không có ai tham gia cấp ủy tỉnh. Công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức, nhất là người đứng đầu còn thiếu chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo chưa cao nên tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và người dân tộc thiểu số còn thấp; trình độ chuyên môn nhất là trình độ lý luận chính trị còn hạn chế.
Do đó, khi cần bố trí cán bộ thường bị động do thiếu nguồn hoặc có nguồn trong quy hoạch nhưng lại chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nên không thể bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử các chức danh thuộc chính quyền.
Một nguyên nhân khác là một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thật sự tin tưởng vào năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ cho nên chưa mạnh dạn bố trí, giao việc, tạo môi trường để đội ngũ này thử thách rèn luyện.
Mặt khác, một số cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản nhưng qua thực tiễn tỏ ra hạn chế về chuyên môn, nhất là khả năng lãnh đạo, quản lý.
Đối với cán bộ nữ, một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của họ nên chưa có cơ chế tạo nguồn; đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng còn thiếu tính đột phá, đã hạn chế cơ hội thăng tiến và đóng góp của cán bộ nữ.
Bội Đông
Bài 3: Một đề án tâm huyết và trọng trách với cán bộ trẻ