P.V: Xin ông cho biết lịch sử hình thành và phát triển bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh?
Ông Bùi Hòa Bình: Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Năm 1959, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành dấu mốc đầu tiên của Đường Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn.
Chúng ta có nghe nói đến cụm từ "đường mòn Hồ Chí Minh” nhưng thực tế, con đường ra đời và sự phát triển của bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong 16 năm (1959 – 1975) được chia thành 4 giai đoạn cách mạng: giai đoạn 1960 – 1964, những năm đầu xây dựng tuyến chi viện chiến lược; giai đoạn 1965 – 1968, các tuyến vận tải cơ giới đường Hồ Chí Minh vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; giai đoạn 1969 – 1972, tiếp tục mở rộng mạng lưới đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; giai đoạn 1973 – 1975, thời kỳ hoàn thiện thế trận đường Hồ Chí Minh, cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh thông suốt, bảo đảm đưa bộ đội, vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm bao gồm các binh chủng hợp thành hùng hậu với trên 10 vạn bộ đội, hơn 2 vạn thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến...
Bộ đội Trường Sơn đã phải chống trả 151.800 trận đánh phá với 733.000 lần máy bay oanh tạc, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn từ không quân Mỹ - ngụy. Mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, đường Hồ Chí Minh vẫn không ngừng "vươn sâu, vươn xa”, đáp ứng yêu cầu vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu..., bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sỹ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc.
Trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh. Đây là sự khẳng định cho sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự chiến đấu kiên cường của các đơn vị, các quân, binh chủng đứng chân trên tuyến lửa Trường Sơn và sự đóng góp của nhân dân các địa phương bảo vệ tuyến đường, đánh bại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ và tay sai.
Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không - không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường.
Với tinh thần "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, "Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.
P.V: Ông có thể chia sẻ những đóng góp của quân dân Yên Bái trong mở đường Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn?
Ông Bùi Hòa Bình: Trong những ngày tháng ác liệt chiến trường Trường Sơn, tỉnh Yên Bái vinh dự đã có hàng ngàn người con ưu tú tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ trên chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể, cá nhân đã lập được những chiến công xuất sắc như: Tiểu đoàn Gùi K200 Lục Yên, các chiến sỹ lái xe Sư đoàn 571, Trung đoàn Công binh cơ động số 4, số 98 anh hùng, Trung đoàn Pháo phòng không 224... Nhiều đồng chí đã được tặng 2 lần đến 5 lần danh hiệu "Dũng sỹ phá bom", "Dũng sỹ công binh", "Dũng sỹ lái xe" và được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương chiến công các hạng.
P.V: Xin ông cho biết quá trình hình thành và phát triển Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái trong thời gian qua?
Ông Bùi Hòa Bình: Thống nhất tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngày 19/5/2012, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái thành lập. Là 1 trong 16 tỉnh của cả nước có tổ chức Hội sớm đi vào hoạt động, đây là một vinh dự lớn lao của lực lượng cựu chiến binh, TNXP, dân công hỏa tuyến là những công dân của tỉnh Yên Bái đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc.
7 năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh, Hội đã có sự trưởng thành nhất định, từ 348 hội viên ban đầu đến nay đã có 1.286 hội viên. Toàn thể hội viên luôn đoàn kết, thống nhất xây dựng hội lớn mạnh, giữ gìn truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng và xây dựng kinh tế để làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội.
Những người lính Trường Sơn năm xưa của tỉnh đã tự nguyện tìm đến nhau, xây dựng các câu lạc bộ (CLB) như: CLB chiến sỹ lái xe Trường Sơn, CLB Pháo phòng không E224, CLB E98, Hội đồng đội E4 anh hùng, CLB Nghệ thuật Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh... để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau và để luôn giữ vững ý chí của người chiến sỹ Trường Sơn với bản chất "Bộ đội Cụ Hồ".
Thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành và các mạnh thường quân, Hội đã hỗ trợ xây dựng 78 nhà cho hội viên khó khăn, trị giá trên 3,6 tỷ đồng. Hàng năm, tổ chức thăm hỏi 1.000 lượt, trao gần 2.000 suất quà cho thương binh, thân nhân liệt sỹ, hội viên nhiễm chất độc da cam, nghèo khó. Bên cạnh đó, Hội tổ chức quyên góp, giúp đỡ các hội viên nghèo khó hàng chục ngàn ngày công, hỗ trợ con giống và cho vay hơn 800 triệu đồng không lấy lãi.
Nhờ vậy, từ một hội có 300 hội viên thuộc diện hộ nghèo đến nay đã giảm nghèo được 182 hộ gia đình hội viên. Hoạt động của Hội đã được ghi nhận bằng những bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng với đó, các hội viên cũng đã tích cực tham gia các phong trào "Chiến sỹ Trường Sơn làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo”; "Xây dựng nông thôn mới”; "Gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa”; đã có 100% gia đình hội viên đạt gia đình văn hóa.
Đặc biệt, hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2019) và kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái (19/5/2012 – 19/5/2019), Hội vinh dự là 1 trong 4 tỉnh được Trung ương Hội đề nghị Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương Lao động hạng Ba.
Thời gian tới, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn đoàn kết, thống nhất xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt công tác nghĩa tình đồng đội giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tổ chức tốt hoạt động thăm hỏi, đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho một số hội viên chưa được hưởng chế độ theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao để sống vui, sống khỏe sống có ích và tuyên truyền, giáo dục phát huy truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Tuấn Văn (thực hiện)