Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng sông Thao (19/5/1949 - 19/5/2019)

Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng sông Thao

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/5/2019 | 9:05:05 AM

YênBái - Sau thất bại của cuộc tấn công căn cứ địa Việt Bắc thu - đông năm 1947, thực dân Pháp bắt đầu chuyển hướng chiến lược chiến tranh. Chúng thành lập Khu quân sự Tây Bắc (SANO) gồm có nhiều phân khu trực thuộc, dưới phân khu là các tiểu khu. Phía hữu ngạn sông Hồng, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Pháp lập hệ thống đồn bốt dày đặc như: Đại Bục, Đại Phác, Gióm, Phát, Phục Linh… do tiểu đoàn Thái số 2 chốt giữ với hàng ngàn quân lính và chỉ huy.

Chiến sỹ xung kích tấn công vào đồn địch trong Chiến dịch sông Thao, năm 1949.
Chiến sỹ xung kích tấn công vào đồn địch trong Chiến dịch sông Thao, năm 1949.

Cuối tháng 4/1949, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch sông Thao nhằm tiêu diệt một phần sinh lực của địch, làm tan vỡ khối ngụy binh Thái trắng, phá vỡ phòng tuyến của địch ở đoạn Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Yên Bình Xã; mở rộng căn cứ Tây Bắc từ sông Thao đến sông Đà; phá thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc... Đồng thời, để bộ đội ta tập dượt, trưởng thành, tiến tới tổng phản công. Tham gia chiến dịch có 5 tiểu đoàn bộ binh (11, 54, 79, 630 và 564), 2 đại đội pháo binh, 2 khẩu phóng bom, 5 đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 115. 

Trước Chiến dịch sông Thao, Tỉnh ủy Yên Bái đã triệu tập hội nghị cán bộ chủ chốt bàn và quyết định vận động nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm và phục vụ Chiến dịch; đôn đốc bộ đội địa phương và du kích phối hợp chiến đấu, đẩy mạnh xây dựng cơ sở trên các đường vào vùng địch và các trung tâm chính trị, quân sự, đồn bốt quan trọng của chúng. 

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, nhân dân Yên Bái dù đang trong thời kỳ giáp hạt, dự trữ hạn chế vẫn nhiệt tình cung cấp cho bộ đội 312 tấn gạo, hàng nghìn ki-lô-gam thực phẩm, làm 45.000 công, 55 mảng vượt sông, cho mượn 120 ngựa thồ phục vụ chiến dịch.

Mở màn đúng ngày 19/5 - sinh nhật Bác, Chiến dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái thành 2 đợt:
Đợt 1 (từ ngày 19/5 đến 5/6): 17 giờ ngày 19/5, pháo binh ta bắt đầu bắn. Sau 1 giờ 50 phút tiến công, ta hoàn toàn làm chủ vị trí Đại Phác và Đại Bục.

Đợt 2 (từ ngày 24 đến 30/6), đêm 24/6, 2 tiểu đoàn 11 và 79 (thiếu 1 đại đội) và 2 đại đội pháo binh tiến công tiêu diệt vị trí Phố Ràng. 

Ngày 16/7, quân ta tấn công đồn Gióm chỉ trong 30 phút làm chủ, diệt và bắt toàn bộ quân địch. 
Phối hợp với hoạt động của bộ đội chủ lực trong chiến dịch Sông Thao, du kích Trấn Yên và C.522 phục kích các toán quân địch tháo chạy, diệt 28 tên, gọi hàng 27 tên. 

Du kích Lục Yên cùng Đại đội độc lập 672 (E165) phục kích toàn bộ địch rút đi Nghĩa Đô diệt 50 tên, bắt sống nhiều tên khác. Ở Văn Chấn, C.524 đánh đồn Bản Hẻo (Sơn A) và đồn Cửa Nhì (Sơn Thịnh) gây cho địch nhiều thiệt hại, tinh thần quân địch hoang mang, dao động mạnh. Sau đó, bộ đội địa phương và du kích diệt 2 vị trí Gốc Báng và Bản Tủ, phá hai kho thóc khoảng 20 tấn. 

Ở Văn Bàn, 30 lính dõng ở xã Đông An xin hàng và được bổ sung vào đội du kích xã; cán bộ ta phát triển thêm được cơ sở đến Dương Quỳ, Minh Lương. Ở Than Uyên, sau khi C.526 từ Văn Bàn tăng cường vào, quân ta mở nhiều trận tập kích, phục kích vào vị trí, các toán quân tuần tiễu của địch. Một bộ phận của C.520 phối hợp với du kích xã Lao Chải đánh địch ở Dương Quỳ, phá một kho hàng, lấy thóc, muối vải chia cho dân.



Khẩu súng trường không số là hiện vật góp phần làm nên chiến thắng Đại Bục, Đại Phác trong Chiến dịch sông Thao hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Chi)

Trong hồi ký về Chiến dịch sông Thao năm 1949, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Sau khi chiến dịch kết thúc, tôi nghe các đồng chí chỉ huy trực tiếp báo cáo các trận Đại Bục, Đại Phác… Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng báo cáo trận Đại Bục. Địch có một đại đội bố trí trên hai mỏm đồi. 16 giờ 30, ta nổ súng. Pháo binh ngắm bắn trực tiếp. Súng phóng bom lần đầu ra trận. Một đám lửa phụt lên đỏ rực cả cứ điểm, tiếp theo là một tiếng nổ lớn. 

Nhiều ngôi nhà trong cứ điểm bùng cháy. Trong trận này, đơn vị có mang theo một chiếc trống. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh nổi trống cho bộ đội xung phong. Các chiến sỹ xung kích cầm mác đạp rào lông nhím xông thẳng vào đồn mà ở nơi cổng chính viên sỹ quan chỉ huy người Pháp đã cho treo tấm biển biệt thự hoa hồng (Villa des rose). 

Trong chỉ hơn 30 phút, quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo trận Đại Phác. Vị trí này là sở chỉ huy tiểu khu, quân số đông hơn Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng quyết định không chờ pháo, ra lệnh cho súng cối bắn vào đồn và dùng mọi hỏa lực bắn thẳng bịt các lỗ châu mai, yểm hộ cho bộ đội bắc thang vượt qua lớp rào lông nhím để xung phong. Từ các lô-cốt, ụ súng chưa bị phá, quân địch bắn ra dữ dội. 

Rút kinh nghiệm trận Phủ Thông, lần này cùng đi với các chiến sỹ xung kích cầm mác, có cả những chiến sỹ mang súng trường, tiểu liên, ba-dô-ca. Các hỏa điểm trong đồn lần lượt bị dập tắt. Bộ đội xung phong tiêu diệt các ổ đề kháng. Đồn Đại Phác bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu…”.

Chiến dịch sông Thao có ý nghĩa và tầm vóc lớn. Đây là lần đầu tiên, bộ đội ta thực hiện thành công lối đánh công kiên vào đồn địch ở quy mô cấp tiểu đoàn. Toàn bộ hệ thống đồn bốt của Pháp đã bị gỡ bỏ, trong đó có những đồn lớn trên đất Yên Bái như đồn Gióm, đồn Đại Bục, Đại Phác ở huyện Văn Yên và nhiều đồn khác thuộc huyện Văn Bàn; đồng thời, đã mở rộng được một vùng tự do rộng lớn ở tỉnh Yên Bái. Ta tiêu diệt 9 và bức rút 16 vị trí làm cho phòng tuyến sông Thao vỡ một mảng dài 70 km. 

Địch bị diệt 230 tên (có 51 lính Pháp, 124 lính khố đỏ và 55 lính dõng), bị thương 150 tên, bị bắt 58 tên (có 11 lính Pháp) và 300 tên tề điệp và phản động. Ta thu: 1 trọng liên 12,8 mm, 5 đại liên, 12 trung liên, 2 cối 81 mm, 7 cối 60 mm, 250 súng trường, 22 tiểu liên, 2 súng ngắn, nhiều đạn dược và đồ quân dụng. Ta đốt 1 kho xăng, 1 kho gạo; mở rộng được cơ sở địch hậu trên 3.000 km2, tổ chức được đường liên lạc thông suốt giữa các khu tự do của 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. 

Ta hy sinh 86 người, bị thương 222 người. Với Chiến dịch sông Thao, quân ta đã phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến sông Thao của địch; tiêu diệt 1 tiểu đoàn, phá hơn 20 đồn lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng lớn gồm 6.000 km2 với 82 làng bản và hơn 2 vạn dân; mở thông được đường liên lạc giữa vùng tự do với khu căn cứ hậu địch ở Sơn La, Yên Bái, Lào Cai đưa cuộc đấu tranh du kích Yên Bái phát triển lên một bước mới là điểm tựa vững chắc cho Chiến thắng Nghĩa Lộ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.

70 năm đã đi qua, tinh thần và khí phách của Chiến thắng sông Thao vẫn mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn của Đảng bộ, chính quyền lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong những chặng đường cách mạng tiếp theo. Phát huy truyền thống anh hùng, phát huy những giá trị lịch sử to lớn của Chiến dịch sông Thao, mà đỉnh điểm là chiến thắng Đại Bục, Đại Phác, Gióm; Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương Yên Bái giàu mạnh, văn minh xứng đáng với truyền thống của tỉnh anh hùng, xứng đáng với ý nghĩa và tầm vóc của Chiến thắng Sông Thao trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.

Ngọc Lan

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc trồng giống dưa Kim Cô Nương tại Trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin khoa học và Công nghệ.

Cách đây 60 năm, Phòng Quản lý đo lường đầu tiên của tỉnh Yên Bái được thành lập (cơ quan tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái ngày nay).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai, buổi sáng, Hội nghị thảo luận tại tổ về các báo cáo quan trọng, buổi chiều Bộ Chính trị họp xem xét các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tại Hội nghị.

Chiều 17/5, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã chủ trì buổi họp tham gia ý kiến xây dựng Dự thảo Đề cương sơ bộ Báo cáo chính trị và Dự thảo Kế hoạch xây dựng Văn kiện Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.

Đường mòn Hồ Chí Minh. (Ảnh Tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả vĩ đại nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc. Đóng góp vào thắng lợi chung vẻ vang ấy có con đường huyền thoại Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục