Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Uỷ ban KH,CN&MT) phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Luật quy định về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc
Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, UBTVQH thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ như vậy bao quát được các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này. Để tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và hành nghề kiến trúc...
Dự thảo Luật lần này tiếp thu và bổ sung nhiều nội dung theo ý kiến của đại biểu Quốc hội như quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, trong đó quy định rõ những hoạt động kiến trúc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích để làm cơ sở thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc; bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.
Bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống
Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng nêu rõ việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.
Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng: bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế Quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo tồn, giữ gìn, khuyến khích kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc vào các quy định có liên quan trong dự thảo Luật, như nguyên tắc hoạt động và yêu cầu quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn, Quy chế quản lý kiến trúc…
Từng bước xã hội hóa việc cấp chứng chỉ hành nghề
Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định rõ 03 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.
Dự thảo Luật cũng quy định về bổ sung quy định cá nhân có bề dày thời gian tham gia quản lý nhà nước, đào tạo về kiến trúc hoặc hành nghề kiến trúc liên tục thì được miễn điều kiện về sát hạch cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc thì được miễn điều kiện về thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc.
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giao tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề để huy động nguồn lực xã hội, giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thông lệ quốc tế. UBTVQH thống nhất nên từng bước xã hội hóa giao việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng lực của khá nhiều các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp chứng chỉ hành nghề, cần có giai đoạn quá độ trong việc chuyển giao nhiệm vụ này từ cơ quan quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng trước mắt giao UBND cấp tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề và thành lập Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chuyên gia. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề, sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề... Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện hoạt động của các tổ chức này cho phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra dự thảo Luật đã quy định Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí; đồng thời bổ sung quy định về Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh.
Ngay sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về mội số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
(Theo quochoi.vn)