Cùng với các cấp, các ngành, ngành y tế đang tập trung hiệu quả Chương trình hành động số 144-Ctr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị tỉnh năm 2019 gắn với triển khai có hiệu quả Đề án "Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo hướng tự chủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết, kết quả bước đầu về thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái. |
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Năm 2018 là năm đầu tiên ngành y tế Yên Bái thực hiện Đề án "Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 621/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Cụ thể: năm 2018, tỉnh giao tự chủ chi thường xuyên cho 6 đơn vị tự chủ 100%, 3 đơn vị tự chủ từ 70% đến dưới 100%, 2 đơn vị tự chủ từ 50% đến dưới 70%, 4 đơn vị tự chủ dưới 50%; tỷ lệ tự chủ trung bình là 80%.
Hết năm, đã có 13/15 đơn vị đảm bảo theo kế hoạch giao, chỉ còn 2 đơn vị UBND tỉnh phải cân đối cấp bù là Trung tâm Y tế huyện Yên Bình và Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên.
Qua đó, đã giảm chi từ ngân sách Nhà nước năm 2018 là 72 tỷ đồng so với 2017 (so với năm 2016 đã giảm hơn 130 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho ngành y tế, riêng trong năm 2018 là 140 tỷ đồng.
Với năm 2019, trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2018, tỉnh tiếp tục giao tự chủ chi thường xuyên đối với 6/15 đơn vị, gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái và Bệnh viện Nội tiết. Riêng 9 đơn vị còn lại thực hiện tự chủ một phần, do đó, tỷ lệ tự chủ chung là trên 80%. Vì vậy, năm 2019, ngân sách Nhà nước giảm cấp so với 2018 là 8 tỷ đồng.
PV: Theo lộ trình của Đề án, mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025 cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 7 đơn vị đảm bảo 100% chi phí chi hoạt động thường xuyên; 3 đơn vị đảm bảo trên 90% trở lên; 1 đơn vị đảm bảo trên từ 70% trở lên; còn lại 4 đơn vị đảm bảo từ 35% đến dưới 60%.
Do đó, giảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ chi thường xuyên đối với 7 đơn vị tự chủ 100% chi phí chi hoạt động thường xuyên từ 49% xuống 0%, 3 đơn vị đảm bảo trên 90% trở lên giảm từ 67% xuống 5%, các đơn vị còn lại giảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước cấp từ 72% xuống 42%.
Đối với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành sẽ có ít nhất 11 đơn vị tự chủ 100% chi phí chi hoạt động thường xuyên, trong đó, có 3 đơn vị tự chủ được từ 10% trở lên chi phí chi cho đầu tư phát triển; 1 đơn vị đảm bảo từ trên 80% trở lên; 3 đơn vị còn lại đạt từ 56% trở lên; giảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ chi thường xuyên đối với 4 đơn vị chưa tự chủ được 100% chi phí chi hoạt động thường xuyên từ 42% xuống còn 33%.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện, ngành gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Hiện nay, giá dịch vụ đã được kết cấu chi phí trực tiếp và lương của cán bộ y tế, tuy nhiên, đối với một số đơn vị có số lượng bệnh nhân đến khám điều trị ít thì nguồn thu sẽ không đáp ứng.
Mặt khác, một số chi phí chưa được kết cấu trong giá dịch vụ như chi phí quản lý, chi phí vận chuyển người bệnh, chi phí sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị không được ngân sách cấp bù; thiếu nhân lực ở các tuyến cả bác sỹ và điều dưỡng nên các đơn vị khó khăn trong việc triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh; cơ chế giám định, thanh toán BHYT còn nhiều bất cập trong khi nguồn thu dịch vụ của các đơn vị chủ yếu là từ quỹ BHYT.
PV: Vậy để hoàn thành mục tiêu đó, ông cho biết ngành tập trung vào giải pháp gì?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm Chương trình hành động số 144 về phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và để đạt được mục tiêu tự chủ theo Đề án, ngành y tế đặt ra một số giải pháp tập trung cụ thể.
Đó là: tiếp tục tham mưu cho tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở khám, chữa bệnh; tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế bằng nhiều giải pháp như phát triển kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao văn hóa, giao tiếp ứng xử, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh...
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản lý nhân lực của đội ngũ bệnh viện đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; bảo đảm ổn định và phát triển hệ thống y tế dự phòng và y tế xã đồng bộ phát triển hệ thống y tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh (thực hiện)