Nằm cách trung tâm xã Nậm Lành (Văn Chấn) hơn 15 km, thôn Tộc Cài hiện ra với vẻ đẹp tươi mới, ấn tượng. Dưới màu xanh bạt ngàn của những rừng quế là những nếp nhà sàn nằm san sát nhau, tạo nên cảnh sắc một bản làng trù phú. Đời sống của người dân tộc Dao ở Tộc Cài đã có nhiều sắc diện mới, no ấm hơn.
Anh Triệu Trung Kim - Trưởng thôn Tộc Cài cho biết: "Tộc Cài là tên được đặt sau khi UBND xã sáp nhập thôn Nậm Tộc và thôn Nậm Cài với hơn 170 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Sau sáp nhập, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tiếp tục được tuyên truyền sâu rộng để người dân thi đua phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo”.
Chị Bàn Thị Nhị ở thôn Tộc Cài phấn khởi cho biết: "Nậm Tộc và Nậm Cài được sáp nhập thành Tộc Cài là mong mỏi của chúng tôi bấy lâu. Từ khi sáp nhập, chúng tôi thấy vui hơn vì được giao lưu, chia sẻ, cùng nhau xây dựng tình đoàn kết gắn bó, cùng nhau trồng quế, chăn nuôi gia súc, xây dựng bản làng văn hóa”.
Ngay sau khi nhận được các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Lành đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bám sát địa bàn dân cư; rà soát lại số dân ở từng thôn, bản. Theo đó, xã sáp nhập 4 thôn thành 2 thôn, gồm: Nậm Tộc và Nậm Cài thành thôn mới Tộc Cài; Tà Lành và Ngọn Lành thành thôn mới Tà Lành; giảm từ 7 thôn trước sáp nhập còn 5 thôn sau khi sáp nhập.
Ông Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngay sau có quyết định thành lập 2 thôn, xã đã kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, bảo đảm theo quy định; chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ một lần khi nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức đối với người hoạt động không chuyên trách bảo đảm kịp thời, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch”.
Việc sáp nhập thôn bản đã có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào Dao tại địa phương. Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tập trung canh tác gần 120 ha lúa mùa, chăm sóc hơn 620 ha quế, trong đó gần 400 ha đang trong thời kỳ thu hoạch.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, nhân dân đã thu bóc gần 100 tấn vỏ quế tươi, mang lại thu nhập gần 4 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Cùng đó, Đảng bộ, chính quyền xã còn chú trọng nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần cho nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; y tế, giáo dục, lao động việc làm được quan tâm; các hủ tục lạc hậu được thay bằng nếp sống văn hóa, văn minh; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh được quan tâm, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; triển khai sâu rộng Nghị quyết TW4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 103 của Huyện ủy Văn Chấn để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đã đề ra…
Tuy nhiên, cũng như các xã vùng cao khác, trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập thôn, bản, Nậm Lành cũng gặp phải những khó khăn nhất định như hội trường nhà văn hóa thôn, bản chật chội; địa bàn quản lý rộng...
Vì vậy, Nậm Lành rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện để kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị, xã hội ở thôn, bản nhằm thuận lợi trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương.
Trần Ngọc