" Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta...”- HỒ CHÍ MINH
Trên thế giới hiếm có đất nước nào, dân tộc nào mà lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhất là trong thế kỷ 20 lại hào hùng và bi tráng như đất nước, dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì thế mà cũng hiếm có đất nước nào truyền thống "Nhân ái, thủy chung”, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa” lại được thể hiện sâu sắc như dân tộc Việt Nam.
Nó là mạch nguồn không ngừng tuôn chảy trong suốt lịch sử dựng nước, giữ nước và hôm nay được thể hiện trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; là công việc bình thường, hành động thường xuyên của mỗi cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội với người có công (NCC) với cách mạng.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhiều đồng bào, chiến sỹ ta đã hy sinh hoặc đổ máu trên các chiến trường trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống "nhân ái, thủy chung" của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sỹ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Đầu năm 1946, "Hội Giúp binh sỹ bị nạn" (sau đổi thành Hội Giúp binh sỹ bị thương) đã ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác.
Ở Trung ương, Hội có Tổng hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự. Ngày 16/11/1946, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong "Mùa đông binh sỹ” mở đầu cuộc vận động "Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và tặng hai chiếc áo rét. Ủy ban vận động có sáng kiến tổ chức bán đấu giá áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền mua nhiều áo khác cung cấp cho bộ đội ngoài mặt trận. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tham gia kháng chiến cứu quốc, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh - liệt sỹ (TBLS) trở thành vấn đề hết sức được quan tâm. Trước tình hình đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 chính thức đặt chế độ "Lương hưu thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân tử sỹ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách TBLS khẳng định vị trí quan trọng của công tác TBLS đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Để chỉ đạo trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục Quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh.
Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương và một số địa phương đã họp tại một địa điểm tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.
Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày TBLS để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành Ngày TBLS.
Góp phần vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, hàng vạn người con Yên Bái đã lên đường trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Để có ngày đất nước được độc lập tự do và biên cương Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, 5.846 người con thân yêu của Yên Bái đã ngã xuống, 4.450 người mang thương tật suốt đời. Theo thống kê, toàn tỉnh có 86.703 đối tượng là NCC với cách mạng; trong đó, có 248 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong suốt 72 năm qua, đặc biệt, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, việc thực hiện chính sách "Đền ơn đáp nghĩa” đối với NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh được triển khai đảm bảo đúng quy định và đạt nhiều kết quả.
Đến nay, 100% hồ sơ (111.117 hồ sơ) NCC và người hoạt động kháng chiến được quản lý và thực hiện chính sách như hiện nay, đã được số hóa để bảo quản lưu trữ lâu dài cũng như tra cứu phục vụ công tác chuyên môn. Hàng tháng, 6.263 đối tượng trong tỉnh được hưởng trợ cấp ưu đãi đảm bảo đúng chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Yên Bái thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh.
Trong 5 năm, (2013 - 2018), đã có 55.525 lượt hồ sơ NCC, gồm: trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần, trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, bảo hiểm y tế, mai táng phí... được thẩm định, giải quyết đảm bảo kịp thời, đúng qui định.
Hiện, tỉnh Yên Bái cơ bản không có hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công tại cấp tỉnh, huyện. Chăm sóc sức khỏe NCC, 5 năm qua, có 9.120 NCC được hưởng chế độ điều dưỡng; 1.000 người được thẩm định và cấp kinh phí dụng cụ chỉnh hình. Đặc biệt, 100% NCC được mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế đảm bảo kịp thời, đúng qui định.
Mỗi năm, trên 300 trường hợp là con của NCC được chi trả ưu đãi giáo dục và đào tạo với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động được trên 12 tỷ đồng xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, do đó, hàng năm cùng nguồn kinh phí của Trung ương, vào dịp tết Nguyên đán, ngày TBLS... tỉnh và các địa phương đã tặng trên 100 nghìn suất quà cho NCC, kinh phí trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào toàn dân chăm sóc gia đình TBLS và NCC được phát triển rộng khắp. Theo thống kê, hiện có 142 xã, phường, thị trấn/174 xã, phường, thị trấn có NCC trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác TBLS và NCC.
Trong đó, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, từ năm 2013 đến hết năm 2018, với tổng kinh phí thực hiện là trên 95 tỷ đồng, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 2.642 NCC với cách mạng (làm mới 2.064 căn, sửa chữa 578 căn). Trong đó, 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở cho NCC.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền, toàn thể xã hội và sự nỗ lực của bản thân các đối tượng NCC, hết năm 2018, đã có 93,46% số hộ NCC trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Không chỉ chăm lo cho những người đang sống, tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, cùng làm tốt công tác quy tập, tìm kiếm; 59 công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh với tổng số 2.047 mộ liệt sỹ thường xuyên được tu bổ tôn tạo; được quản lý, thăm viếng đúng quy định. Đây không chỉ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sỹ, mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Những kết quả đạt được trong công tác TBLS và NCC trong suốt 72 năm qua của đất nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng là hết sức ý nghĩa, đã làm xoa dịu phần nào nỗi đau chiến tranh. Hôm nay, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những mất mát, đau thương do nó để lại vẫn còn hiện hữu qua nỗi đau mất người thân chưa tìm thấy hài cốt; là những vết thương trên thân thể những thương binh; đặc biệt là những hậu quả của chất độc da cam để lại cho thế hệ thứ 2, thứ 3…
Phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc, kỷ niệm 72 năm Ngày TBLS năm nay, cùng cả nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các địa phương, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đang có những hoạt động hết sức cụ thể tri ân NCC. Đó là việc thực hiện tốt các chế độ chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước đối với NCC; là việc thăm hỏi, động viên và tặng 7.867 suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các đối tượng; là việc làm và sửa chữa nhà cho 100 đối tượng và thân nhân NCC; là việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 2,7 tỷ đồng...
"Uống nước nhớ nguồn” đã là việc làm thường xuyên, nhưng được thể hiện rõ nét trong ngày 27/7, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh”. Nó như mạch nguồn không ngừng chảy qua chiều dài lịch sử, qua các thế hệ, sẽ tiếp thêm truyền thống yêu nước, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Yên Bái phát triển giàu đẹp, bền vững.
Đình Tứ