Khó thực hiện, vì sao?
Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019. Tuy nhiên đến nay việc triển khai luật còn khó khăn dù Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 52 luật, pháp lệnh có liên quan và Chính phủ cũng đã ban hành 1 Nghị quyết, 4 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn.
Lý do được đưa ra, theo Bộ trưởng Bộ Ké hoạch -Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, là trong quá trình triển khai thực hiện còn có cách hiểu khác nhau về một số quy định của Luật. Do đó, để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, Chính phủ có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết để giải thích.
Tờ trình của Chính phủ ban đầu đề nghị giải thích nhiều điều khoản, song đến chiều qua (12/8), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng với đại diện lãnh đạo nhiều Uỷ ban của Quốc hội và các Bộ đã có buổi làm việc để thảo luận và "chốt” lại giải thích quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch tại khoản 1 Điều 6; căn cứ lập quy hoạch ở khoản 2 điều 20, và điểm c khoản 1 Điều 59 về thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Luật quy định quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Và quy hoạch cao hơn sẽ là cơ sở để lập quy hoạch thấp hơn. Điều này dẫn đến cách hiểu là trong khi quy hoạch cao hơn chưa được phê duyệt thì các quy thấp hơn chưa thể thực hiện. Nhiều Bộ, ngành và địa phương cho rằng các quy hoạch phải được lập đồng thời thì mới đảm bảo tiến độ lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị này và giải thích Khoản 1 Điều 6 và khoản 2 điều 20 được hiểu như sau: Việc triển khai lập các quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và các Luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào hoàn thành trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.
Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các ngành, các cấp, các địa phương, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có sự chưa phù hợp thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Liên quan đến vấn đề chuyển tiếp cũng được cho là còn vướng mắc, theo Tờ trình của chính phủ, quy định tiếp tục thực hiện và kéo dài thời hạn của quy hoạch hiện có chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh nội dung của các quy hoạch (như bổ sung các dự án...). Việc không cho phép điều chỉnh quy hoạch gây khó khăn trong điều hành của các ngành trong thời hạn quy hoạch.
Để tạo thống nhất trong áp dụng luật, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch được hiểu là trong quá trình thực hiện, các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực mà theo Luật Quy hoạch sẽ phải tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng chưa được phê duyệt thì được điều chỉnh nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch phải tích hợp được phê duyệt. Việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của các luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực.
100% thành viên trong Uỷ ban Thường vụ có mặt đồng ý thông qua Nghị quyết giải thích 3 điều của Luật Quy hoạch theo hướng trên và yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo, chỉnh lý câu từ cho rõ nghĩa trước khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
"Không để cái này phá cái kia”
Trước đó, thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trao đổi thông tin ngay trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch đảm bảo tích hợp để sau này đỡ "vênh”.
"Nếu cứ anh này làm mà anh kia không biết thì có khi giao cho doanh nghiệp đầu tư rồi lại bảo không phù hợp với quy hoạch cao hơn. Bối cảnh hiện nay cần gửi hết lên Bộ KH-ĐT, Chính phủ cho ý kiến để tránh trùng lắp, gây lãng phí. Còn sau này quy hoạch dưới còn điểm nào chưa phù hợp với quy hoạch cao hơn thì điều chỉnh theo quy định” – ông Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quá trình làm quy hoạch Chính phủ phải chỉ đạo làm sao cho các cấp thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, kế thừa, liên tục và ổn định, "không để cái này phá cái kia”, tránh lãng phí về vật chất và thời gian.
Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh quy định của Luật Quy hoạch không tạo ra cách hiểu khác nhau mà chỉ vì có vướng mắc trong thực hiện mà không xử lý thì lãng phí nhiều quy hoạh hiện có, hoặc quy hoạch này chờ quy hoạch kia làm chậm thời gian thực hiện. Do đó, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật là phù hợp, tạo sự thống nhất trong áp dụng luật.
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, từ việc xây dựng Nghị định cho đến tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để hướng dẫn vì luật này liên quan đến các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Tuy vậy, thực tế còn vướng mắc nên việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giải thích sẽ giúp tháo gỡ được khó khăn hiện nay.
"Phải tập trung làm vì chuẩn bị vào thời kỳ quy hoạch mới, vừa phải xây dựng mới, vừa phải điều chỉnh nên khối lượng công việc rất lớn, từ quy hoạch biển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành quốc gia, rồi các địa phương đều phải lập quy hoạch.... Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thì Chính phủ sẽ tiếp tục có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói./.
(Theo VOV)