Văn hóa chính trị và những yếu tố cấu thành văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên.
Văn hóa chính trị là một bộ phận cấu thành của văn hóa, kết tinh trong đó tri thức, tình cảm, lý tưởng, niềm tin, tạo thành ý thức chính trị, biểu hiện ở thái độ, hành vi và năng lực hoạt động chính trị của các chủ thể chính trị. Văn hóa chính trị được hình thành từ lịch sử văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa chính trị hiện đại, dưới sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị của đảng cầm quyền.
Chính trị có văn hóa là chính trị vì nhân dân, vì con người, triệt để giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công. Chính trị không có văn hóa là chính trị tàn bạo, dã man, phi nhân tính. Do đó, việc đưa văn hóa vào chính trị là một đòi hỏi tất yếu khách quan, Đảng ta đã nhiều lần nói về vấn đề này. Đại hội XII của Đảng khẳng định: "Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên thường được hiểu là, trình độ hiểu biết và giác ngộ chính trị tham gia vào thực tiễn hoạt động chính trị. Đó là ý thức chính trị, thái độ, hành vi và lập trường, quan điểm chính trị; mức độ nhận thức, đánh giá các sự kiện, các diễn biến chính trị; sự lựa chọn tham gia của cán bộ, đảng viên vào hoạt động thực tiễn; thái độ và mức độ phản ứng hay hưởng ứng trước một tình huống nào đó trong đời sống chính trị. Văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên vừa góp phần tạo lập các giá trị, vừa góp phần hình thành dư luận xã hội tích cực đấu tranh chống những hành vi gây tổn hại tới lợi ích chung. Những yếu tố cấu thành văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên gồm:
Tri thức và kinh nghiệm chính trị. Đây được coi là giá trị nền tảng của văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên. Cả lý luận và thực tiễn cho thấy, con người khi tham gia vào đời sống, hoạt động chính trị phải có những hiểu biết chính trị. Chính trị là trí tuệ, không có tri thức chính trị thì khó có thể đạt tới trình độ tự giác, tích cực. Trình độ học vấn giúp cho cán bộ đảng viên hiểu biết và nhận thức rõ hơn về những giá trị văn hóa, từ đó xác định những nguyên tắc, lý tưởng sống cho bản thân. Trình độ học vấn của cán bộ, đảng viên trở thành một khía cạnh của nhân cách văn hóa. Ngược lại, văn hóa khẳng định những giá trị xã hội của học vấn. Nếu ai đó, dù có trình độ học vấn nhưng không cống hiến cho xã hội, thậm chí phá hoại xã hội, thì học vấn đó đứng ngoài văn hóa.
Tri thức chính trị và kinh nghiệm chính trị là hai mặt thống nhất, nằm trong chủ thể nhân cách văn hóa chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, tri thức chính trị - lý luận chính trị - càng đạt tới tính khách quan, khoa học bao nhiêu thì càng có vai trò to lớn, mở đường cho hành động thực tiễn hoạt động chính trị trở nên đúng đắn bấy nhiêu. Nó giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ bản chất các quá trình, quy luật và các lợi ích chính trị. Kinh nghiệm chính trị sẽ là những giá trị tăng thêm sức mạnh cho tri thức chính trị, nhưng nó chỉ trở thành giá trị văn hóa chính trị khi nó kết hợp với tri thức, tình cảm, lý tưởng, niềm tin và năng lực hành động chính trị của bản thân cán bộ, đảng viên. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên, trong thực tiễn hoạt động chính trị không được coi nhẹ hoặc tuyệt đối hóa mặt nào. Nếu tuyệt đối hóa tri thức chính trị - lý luận chính trị - mà coi nhẹ kinh nghiệm chính trị sẽ dẫn đến lý luận suông, rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa mặt kinh nghiệm chính trị, coi thường lý luận chính trị sẽ dẫn đến chủ nghĩa kinh nghiệm, hành động mù quáng, cảm tính. Việc thường xuyên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng tri thức chính trị và kinh nghiệm chính trị không còn là chuyện bắt buộc, mà đã trở thành nhu cầu và động lực tự thân mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình vươn lên hoàn thiện nhân cách chính trị.
Tình cảm và niềm tin chính trị. Tình cảm và niềm tin chính trị, tuy có khác nhau ở cấp độ, phạm vi nhưng lại thống nhất ở mục tiêu, con đường và tuân theo quy luật từ thấp đến cao, từ tình cảm đến niềm tin. Sự hình thành và phát triển của tình cảm và niềm tin chính trị của cán bộ, đảng viên không thể là tự phát, cảm tính. Tình cảm và niềm tin khi được hình thành bằng con đường tự giác, khoa học sẽ tạo nên động lực chính trị ổn định, mạnh mẽ, giúp người cán bộ, đảng viên vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ngược lại, nếu tình cảm và niềm tin chính trị được hình thành ở ai đó một cách tự phát, cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, thì dễ dẫn đến dao động, bế tắc, đổ vỡ, thậm chí dẫn đến cơ hội, phản bội khi gặp khó khăn.
Năng lực hành động chính trị. Tri thức, tình cảm, niềm tin chính trị của cán bộ, đảng viên, cuối cùng phải được biểu hiện bằng hành động. Chính trị không phải chỉ là nói mà phải làm: chỉ có làm và thông qua việc làm cụ thể và thiết thực để biến các chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược, nghị quyết, chỉ thị… thành các chương trình, kế hoạch, biện pháp, để đưa chính trị vào cuộc sống, thực hiện bằng được mục tiêu đề ra.
Năng lực hoạt động chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bao gồm nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất là khả năng phân tích đặc điểm tình hình (trong nước, thế giới, đặc điểm cơ quan, đơn vị, địa phương, tình hình dân cư…) để đề ra kế sách, bước đi, cách làm đúng quy luật, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở, có khả năng tổ chức đội ngũ cấp dưới thành một tập thể đoàn kết, nhất trí, thu hút và lôi cuốn, truyền cảm hứng để họ cùng với mình quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu, chương trình đã đề ra. Biết điều chỉnh chủ trương, kế hoạch cho sát hợp với thực tế, biết ứng phó thành công với mọi tình huống, rủi ro từ khách quan tác động. Phải có tác phong dân chủ, gần dân, lắng nghe cấp dưới, có thói quen đi vào quần chúng, có khả năng đối thoại, cảm hóa, thuyết phục, lôi cuốn quần chúng đi theo, ủng hộ.
Những nội dung biện pháp nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên
Trước hết, cần nâng cao nhận thức về văn hóa chính trị. Cơ sở và nội dung để nâng cao văn hóa chính trị là nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin quan trọng nhất là học tập tinh thần, lập trường, quan điểm; cốt lõi nhất là học được phương pháp biện chứng duy vật của Chủ nghĩa Mác. Đây là cơ sở khoa học để xem xét và giải quyết, xử trí mọi vấn đề, tình huống chính trị thực tiễn đặt ra. Phương pháp học là gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn và không ngừng tổng kết thực tiễn; tránh lối học tập kiểu đối phó cốt để cho xong, nhưng học xong rồi không biết vận dụng vào thực tiễn.
Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là học tập tư tưởng lý luận mà phải chú ý học tập cả phương pháp, phong cách, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải đi sâu học tập phong cách - nổi bật là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt (nói và viết), phong cách ứng xử, phong cách sống của Người.
Cùng với việc nâng cao trình độ nhận thức Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nắm vững Cương lĩnh chính trị và đường lối đổi mới của Đảng. Đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên. Bất kỳ một sự dao động, ngả nghiêng, hành động và phát ngôn nào trái với Cương lĩnh, đường lối của Đảng không chỉ dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, mà còn gây tổn hại cho Đảng.
Hai là, tăng cường bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về khoa học chính trị và truyền thụ kinh nghiệm thực hành chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đây được coi là nội dung cốt lõi của văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên và là một trong những tiêu chuẩn, thước đo đánh giá văn hóa chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải trang bị kiến thức toàn diện cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những kiến thức về chính trị là những nguyên lý, quy luật đã có sự phát triển mới, trong điều kiện mới (kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế); những kiến thức về khoa học lãnh đạo cần phải được mỗi cán bộ, đảng viên cập nhật và bổ sung thường xuyên. Coi trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nắm, phân tích các sự kiện, các tình huống chính trị và có những quyết sách kịp thời, hiệu quả.
Ba là, phát huy tính tự giác, tích cực tự học, tự rèn phong cách công tác và đạo đức, lối sống. Phát huy tính tự giác, tích cực tự học, tự rèn, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự đặt kế hoạch phấn đấu cho chính mình. Những nội dung tri thức, kinh nghiệm chính trị và phong cách hoạt động chính trị sẽ được lĩnh hội từ quá trình học tập ở các lớp học, tập huấn đều nằm trong kế hoạch tự học, tự rèn của bản thân họ và được diễn ra thường xuyên, liên tục. Để việc tự học, tự rèn đạt kết quả cao thì kế hoạch phải được xây dựng một cách khoa học và phải luôn đặt ra yêu cầu cao với bản thân; phải kiên quyết thực hiện kế hoạch và phải lấy hiệu quả làm thước đo, có sự phối hợp, giám sát của tổ chức. Tránh lối học tập, rèn luyện nửa vời, đặt ra kế hoạch một đằng, làm một nẻo, "đầu voi đuôi chuột”.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Môi trường văn hóa ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương là cơ sở xã hội và là điều kiện nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên. Tập trung xây dựng và phát triển ý thức dân chủ trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở. Quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ ở tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là thực hiện dân chủ trong Đảng, trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng để cán bộ, đảng viên phát huy dân chủ và nêu cao trách nhiệm xã hội của bản thân. Nhưng dân chủ phải có nguyên tắc, không phải dân chủ quá trớn, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Đề phòng và khắc phục cả hai khuynh hướng: dân chủ hình thức hoặc tập trung quan liêu.
Như vậy, để góp phần nâng tầm lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; khắc phục những cản trở, rào cản trong quá trình phát triển đất nước, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trọng sạch, vững mạnh, thì vấn đề nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên đang thực sự cấp thiết. Những yếu tố cấu thành văn hóa chính trị, được đề cập trên đây mới chỉ là nội dung cơ bản, bước đầu, cần tiếp tục được nghiên cứu bổ sung; tích cực tạo điều kiện để dần hình thành những giá trị mới, làm cho văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)