Yên Bái đoàn kết xây dựng cơ đồ đẹp tươi

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/9/2019 | 9:54:57 AM

YênBái - Năm 2019 là một năm đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, bởi là năm quyết định kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Cầu Bách Lẫm là một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Thanh Miền
Cầu Bách Lẫm là một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Thanh Miền

Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 144-CTr/TU xác định chủ đề của năm 2019 là "Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; cơ bản về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh” với phương châm hành động "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả”.

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược 

Chương trình hành động số 144-CTr/TU ngày 15/2/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái nhằm thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2019 theo hướng tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối, tác phong làm việc trong cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị. 

UBND tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình hành động 144 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, tập trung cao độ ngay từ đầu năm để hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, trong đó có 3 đột phá chiến lược: cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Về cải cách hành chính, Yên Bái là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước thực hiện bài bản, dân chủ, nhân văn việc sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng. 

Năm 2018, Yên Bái có Chỉ số cải cách hành chính đạt 76,61 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh là 79,37%; Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 19/63 tỉnh. Từ ngày 1/4/2019, bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã chính thức đi vào hoạt động và liên thông với Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; ở ba cấp, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt trên 99,7%, mức độ hài lòng đạt trên 99,8%. 

Hiện nay, tỉnh tập trung triển khai Đề án "Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” gắn với chính quyền điện tử. Về phát triển nguồn nhân lực, Yên Bái đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Trong 7 tháng năm nay, số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 13.423 lao động, bằng 67,1% kế hoạch; tuyển mới và đào tạo nghề cho 17.265 người, bằng 57,6% kế hoạch; có 3.737 người chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bằng 70,5% kế hoạch. 

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2019 và Đề án số 11-ĐA/TU của Tỉnh ủy. 

Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Yên Bái tiếp tục huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, xây dựng đô thị, nông thôn mới... Tổng vốn đầu tư phát triển 7 tháng qua ước đạt 7.157,1 tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch, tăng 30,5% so với cùng kỳ.
 
Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, tới thời điểm này, chưa bao giờ Yên Bái lại có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra sôi động đến như vậy. Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Yên Bái tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng và năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành là sự nỗ lực không ngừng, khẳng định quyết tâm "nói đi đôi với làm” của Yên Bái về cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. 

Hàng năm, Yên Bái đều tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư vào dịp đầu xuân và thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp thông qua chương trình "Cafe doanh nhân” hàng tháng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. 

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 12.332 tỷ đồng. Đặc biệt, có 2 tập đoàn lớn đã đầu tư gần 7.700 tỷ đồng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh là: Dự án đầu tư công viên, văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của thành viên Tập đoàn Alphanam có tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội của Tập đoàn TH với tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng. 



Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Yên Bái được Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Thanh Miền

Yên Bái đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường lành mạnh cho tất cả thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tập thể, triển khai hiệu quả Đề án củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. 

Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 15/3/2019 và UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 03/HD-UBND ngày 04/5/2019 Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2025. 

Bảy tháng qua, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng kí thành lập mới cho 134 doanh nghiệp, bằng 50,6% kế hoạch; 50 hợp tác xã, bằng 83,3% kế hoạch; 1.640 tổ hợp tác, bằng 74,6% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 2.044 doanh nghiệp, 376 hợp tác xã, 2.476 tổ hợp tác, 21.148 hộ kinh doanh. Hàng năm, các doanh nghiệp nộp ngân sách hơn 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn; giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng/năm 2018. 

Yên Bái lần đầu tiên thu ngân sách năm 2018 vượt 2.900 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2015, bằng 95,2% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII và thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 tăng 17,1% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người/năm 2018 đạt 33,6 triệu đồng, tăng 8,6 triệu đồng so với năm 2015.

Đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế

Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ được Yên Bái thực hiện đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh về một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 6,06% so với cùng kỳ, cao nhất trong 4 năm gần đây. Giai đoạn 2016 - 2018, ngoài ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã bố trí gần 155 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. 

Các đề án, chính sách, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm 4,29%, vượt kế hoạch của tỉnh đề ra. 

Đến nay, Yên Bái có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 33,8% tổng số xã, gấp hơn 2 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII. Trấn Yên tiếp tục được ưu tiên đầu tư để cơ bản hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2019. Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2017 - 2019. 

Song song, Yên Bái thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất theo hướng hiện đại, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế và các ngành sử dụng nhiều lao động địa phương. 

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trong 7 tháng qua ước đạt 6.163,7 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Yên Bái đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường ngoài nước và tổ chức triển lãm, hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao... 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước từ đầu năm đến nay đạt 10.301 tỷ đồng, bằng 54,2% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng cả lượng và giá trị, tập trung ở khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 97,65 triệu USD, bằng 57,4% kế hoạch, tăng 30% (tương đương 22,55 triệu USD) so với cùng kỳ. 

Yên Bái cũng nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động du lịch theo chiều sâu, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và mới đây, Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt. Từ đầu năm đến nay, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 231,3 tỷ đồng, bằng 55,1% kế hoạch, tăng 41,4% so với cùng kỳ. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của Yên Bái đạt 6,81%, tăng 0,21% so với kịch bản tăng trưởng và đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây thể hiện nỗ lực lớn, quyết tâm cao. 

Sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái là thành quả của các thế hệ luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương. 

Như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái đầu xuân Kỷ Hợi 2019: "Chưa bao giờ Yên Bái có được cơ đồ tốt như hôm nay”. Đó vừa là sự ghi nhận, biểu dương vừa là động lực cổ vũ để Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng vươn lên, phát triển toàn diện. 

Nguyễn Thơm 

Tags 144-CTr/TU cơ đồ tốt đẹp thăm Yên Bái nông thôn mới đề án chính sách mô hình du lịch đặc thù

Các tin khác

50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời căn dặn của Người khi về thăm Yên Bái. Đó là những kết quả đáng tự hào và cảm xúc thật trân trọng để tỉnh Yên Bái tiếp tục vững bước trên đường đi tới.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm những ngày Bác ốm năm 1969.

Là người trực tiếp canh gác, bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm, và ngay sau ngày Bác đi xa, tôi là một trong số những chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Bác. Nhờ đó, tôi mới có được những điều để nhớ về những giờ phút Bác ra đi để lại cho đời bao niềm thương nỗi nhớ….

Một tiết mục tại Chương trình.

Tối 1/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Đài THVN thực hiện cầu truyền hình "Bài ca kết đoàn", nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Ngày 1-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục, các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020. Nội dung như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục