Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã gắn nhiệm vụ công tác mặt trận với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng.Qua đó, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và nhân dân, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cụ thể, MTTQ các cấp trong tỉnh đã đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình công tác của Mặt trận đến với đồng bào dân tộc và đồng bào có đạo, vận động bà con hưởng ứng tham gia thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Cán bộ MTTQ cơ sở đã "ba cùng” với đồng bào, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo tích cực, gương mẫu đi đầu trong việc nhường đất, san sẻ đất cho các hộ nghèo không có đất sản xuất, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; vận động nhân dân phòng, chống cháy rừng, không phá rừng, không du canh du cư, không vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.
Đặc biệt là tuyên truyền thực hiện tốt việc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán của dân tộc, vận động đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc.
Theo đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở tất cả các khu dân cư hàng năm đều được cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chính quyền phối hợp tổ chức đã trở thành nề nếp; nội dung tổ chức ngày hội phong phú, thiết thực, thu hút trên 90% số hộ, hàng ngàn cán bộ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và đảng viên ở khu dân cư tham dự, tạo sự đoàn kết gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Cùng với việc phát huy tinh thần sáng tạo và ý thức tự quản của nhân dân các dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực vận động nhân dân tham gia các cuộc vận đông, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp; thực hiện chương trình y tế, giáo dục, dân số kế hoạch hóa gia đình, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng gia đình, thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa.
Từ năm 2015 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai sâu rộng 5 nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 5 nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến.
Qua đó, đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhân dân trong tỉnh đã tích cực đóng góp tiền của, công sức, đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; xây dựng các thiết chế văn hóa, nhiệt tình tham gia các phong trào thể dục, thể thao văn hóa văn nghệ; bảo vệ cảnh quan môi trường sạch đẹp; dân chủ được phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đến năm 2018, toàn tỉnh có 1.167/1.873 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa; 158.266/208.245 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 1.313/2.263 làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa và 1.066/1.332 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Toàn tỉnh hiện có 53 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trên 10 phường, thị trấn được công nhận là "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Nhiều xã vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã xuất hiện thêm những tấm gương điển hình trong phong trào nhường đất, san sẻ đất sản xuất cho hộ nghèo, tình nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông, xây dựng trạm y tế, trường học, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên.
Song song với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức cho nhân dân học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, tham gia ý kiến vào các dự thảo, dự án luật; tham gia sửa đổi Hiến pháp và các dự thảo luật liên quan trực tiếp đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân.
Điển hình như việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào báo cáo dự thảo Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đại hội đảng bộ các cấp; tổ chức quán triệt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các văn bản của tỉnh và nghị quyết của đảng bộ các cấp; tham gia ý kiến cho tổ chức đảng, chi bộ, đảng viên trong công tác, xây dựng chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tham gia giám sát đảng viên, cán bộ, công chức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Những việc làm thiết thực và những ý kiến tâm huyết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã góp phần làm cho tổ chức đảng từ tỉnh tới cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, quyết tâm bảo vệ Đảng, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức 217 đoàn giám sát (cấp tỉnh 21, cấp huyện 115, cấp xã 81); tham gia 658 cuộc giám sát (cấp tỉnh 60, cấp huyện 183, cấp xã 415).
Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát được 2.416 cuộc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 2.806 dự án đầu tư. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác phản biện xã hội được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với một số dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, dự thảo đề án chính sách hỗ trợ, đề án phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh; tham gia đóng góp ý kiến bằng hình thức gửi văn bản đã góp phần nâng cao chất lượng các đề án, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với phương châm "Đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, kỷ cương, trách nhiệm vì sự phát triển của tỉnh Yên Bái”, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đẩy mạnh công tác tập hợp đoàn kết cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và đông đảo nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII đã đề ra, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Thanh Hương