Hoạt động nổi bật của HĐND các tỉnh tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 7, tại Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2019 | 1:57:23 PM

Đồng chí Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội (thứ 3, từ trái sang) trao đổi với đại biểu Thường trực HĐND các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tại tỉnh Sơn La.
Đồng chí Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội (thứ 3, từ trái sang) trao đổi với đại biểu Thường trực HĐND các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tại tỉnh Sơn La.

Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La: 

Điểm nổi bật trong hoạt động của HĐND tỉnh là việc tổ chức kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công 10 kỳ họp thông qua 249 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đặc biệt, có 48 nghị quyết về cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương; khuyến khích phát triển kinh tế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng di dân tái định cư... 

Các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đều đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có tính khả thi cao, cơ bản đáp ứng đủ nguồn lực để thực hiện, được nhân dân đón nhận và triển khai thực hiện rất hiệu quả.

 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội: 

Hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình là "điểm nhấn” trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội. Hoạt động giám sát được thực hiện tích cực, trọng điểm, chú trọng hướng về cấp cơ sở, mời các đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát cùng họp để trao đổi các nội dung tồn tại, hạn chế, vướng mắc; trao đổi kỹ, truy đến cùng vấn đề, có kết luận cụ thể, rõ ràng lộ trình, giải pháp giải quyết. 

Đặc biệt, để chuẩn bị các phiên giải trình đạt chất lượng, hiệu quả, Thường trực HĐND thành phố đã phân công rõ người, rõ việc cho các Ban, Văn phòng HĐND thành phố tổ chức kiểm tra, khảo sát, xây dựng phóng sự truyền hình về nội dung giải trình. Tại phiên giải trình, trách nhiệm được chỉ rõ, không chỉ các ủy viên UBND thành phố và chủ tịch UBND quận, huyện trả lời mà còn có thêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các ngành, cơ quan.

Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên: 

HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 11 kỳ họp, ban hành 166 nghị quyết; tổ chức 6 phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND với 57 ý kiến chất vấn của các đại biểu, 26 lượt lãnh đạo UBND tỉnh và 29 lượt giám đốc các sở, ngành trả lời chất vấn. 

Các phiên chất vấn, giải trình diễn ra trong không khí sôi nổi, nghiêm túc, cầu thị; từng vấn đề, những hạn chế, tồn tại đã được các đại biểu HĐND nêu rõ, hỏi thẳng vào trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Sau mỗi kỳ họp, phiên họp chất vấn, giải trình của HĐND tỉnh đều được tổ chức rút kinh nghiệm. Do đó, hoạt động chất vấn, giải trình được nâng lên. Hoạt động chất vấn, giải trình của các đại biểu HĐND được gắn với hoạt động thi đua của tổ đại biểu HĐND tỉnh, thi đua của Khối các Ban HĐND tỉnh hằng năm.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai: 

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND các cấp tỉnh Lào Cai đã tổ chức trên 1.550 cuộc giám sát chuyên đề và nhiều hoạt động giám sát, khảo sát thường xuyên khác. Hoạt động giám sát của HĐND đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nội dung khá toàn diện; hình thức, phương thức tổ chức giám sát được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, phát huy tính chủ động, tích cực của các cơ quan giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị thuộc đối tượng chịu sự giám sát. 

Qua giám sát đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên: 

Đã tổ chức 4 phiên giải trình theo hình thức trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố với 34 lượt đại biểu, 101 câu hỏi, ý kiến, tranh luận với lãnh đạo UBND tỉnh, các ủy viên UBND tỉnh là giám đốc các sở, ngành. 

Đối với những điểm họp trực tuyến tại các huyện, thị xã, thành phố, Thường trực HĐND tỉnh mời chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, các ban HĐND và những phòng, ban, đơn vị liên quan dự họp tiếp thu, giải trình thêm nếu cần thiết. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh mời đại biểu HĐND tỉnh ứng cử và đang công tác trên địa bàn huyện tham dự phiên họp giải trình. 

Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận: 

Tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, gồm các nội dung: Nâng chất lượng công tác giám sát, khảo sát, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp; chất lượng công tác chất vấn tại kỳ họp; tăng cường và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết đã đạt được kết quả nhất định: Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng ngày càng rõ nét; sự phối hợp, đồng hành trong hoạt động HĐND ngày càng thực chất, hiệu quả; điều kiện đảm bảo cho hoạt động được quan tâm, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn: 

Đã tổ chức 6 phiên giải trình với các nội dung về vấn đề liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, các giải pháp thanh toán nợ; tình hình, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thực trạng và các giải pháp liên quan đến phát triển các hợp tác xã... 

Sau mỗi phiên họp, Thường trực HĐND chỉ đạo ban hành thông báo kết luận, phân công các ban HĐND giám sát và có ý kiến với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ đại biểu HĐND theo dõi, giám sát. 

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, HĐND theo dõi ý kiến phản ánh của nhân dân và cử tri về các vấn đề liên quan đã được kết luận tại các phiên họp. Hoạt động giải trình bước đầu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới các cấp chính quyền.

Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình: 

Tổ chức thành công 10 kỳ họp thông qua 175 nghị quyết để thực hiện các chế độ, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức các phiên họp thường kỳ hằng tháng của Thường trực HĐND, trong đó có 6 phiên họp chuyên đề, giải quyết 115 nhiệm vụ phát sinh giữa hai kỳ họp. 

Tổ chức giám sát 10 chuyên đề, qua giám sát đề xuất 115 kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tiếp nhận, xử lý 307 đơn chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Tổ chức 6 hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm với thường trực HĐND các huyện, thành phố và các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu HĐND. Thực hiện tốt hoạt động đối ngoại, hợp tác giữa HĐND tỉnh Hòa Bình và HĐND tỉnh Tuv, nước Mông Cổ về các lĩnh vực phát triển kinh tế, giáo dục, giao lưu văn hóa, nghệ thuật.

Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ: 

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức chất vấn tạo không khí hấp dẫn, sôi nổi, kịch tính thu hút người nghe trực tiếp cũng như qua phát thanh, truyền hình của tỉnh. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn linh hoạt, lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn; các đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, đúng trọng tâm, không né tránh, trả lời chất vấn ngắn gọn, đúng nội dung, không vòng vo... 

Kết thúc phần trả lời chất vấn, chủ tọa kết luận cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, đơn vị, địa phương và những giải pháp, thời gian, tiến độ giải quyết. Qua 8 kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh đã có 215 lượt chất vấn của đại biểu, 228 nội dung được giải trình tại kỳ họp. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ họp luôn được cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn: 

Đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Nghị quyết sáp nhập thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu; ghép cụm dân cư và thay đổi tên tổ dân phố thuộc phường Xuất Hóa thành phố Bắc Kạn giai đoạn 2019 -2020. 

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố tiểu khu, ghép cụm dân cư giai đoạn 2019 - 2020, đến nay các đơn vị hành chính dần đi vào hoạt động ổn định, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.



Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Tuyên Quang. 

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang: 

Đã tiến hành 12 phiên giải trình, nội dung tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc còn nhiều bất cập liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực thi pháp luật và thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh. 

Thường trực, các ban của HĐND tỉnh đã mời cơ quan báo chí tham gia các cuộc giám sát, khảo sát; xây dựng bài, phóng sự, định hướng nội dung phản ánh trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và phục vụ trình chiếu minh họa tại phiên giải trình. 

Điều đó không chỉ tăng tính hấp dẫn, sinh động, thu hút sự chú ý của đông đảo cử tri mà còn mang tính thuyết phục cao ngay tại cuộc họp. Việc tổ chức giám sát thực hiện kết luận sau phiên giải trình tiến hành riêng hoặc tiến hành lồng ghép với giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau khảo sát, giám sát, thực hiện lời hứa của các thành viên UBND, thủ trưởng các sở, ngành tại kỳ họp HĐND.

Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng: 

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng các hình thức giám sát nhằm nâng cao chất lượng giám sát của HĐND, đảm bảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả. 

Hoạt động kỳ họp đã có nhiều cải tiến theo hướng đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. 

Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã bám sát nội dung chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh với chủ đề "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến kiến nghị của cử tri”, theo hướng gần dân, sát dân, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài. Công tác tiếp xúc cử tri được đổi mới bằng nhiều hình thức, tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, tiếp xúc ngoài nơi ứng cử, tiếp xúc theo chuyên đề...

Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang: 

Hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới, đại biểu chất vấn đã sử dụng hình ảnh để minh họa, tranh luận làm rõ các vấn đề mà đại biểu đề cập, quan tâm; tổ chức tự kiểm tra các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành từ năm 1994 đến nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra đã kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh xem xét bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, xem xét bổ sung ban hành nghị quyết mới và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn tổng kết, đánh giá một số nghị quyết của HĐND tỉnh để có cơ sở xem xét tác động của nghị quyết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 theo hình thức trực tuyến với các huyện, thành phố. 



Các ban HĐND tỉnh Yên Bái thẩm tra các đề án, tờ trình trước khi trình kỳ họp HĐND tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, ngoài nghị quyết thường kỳ, HĐND tỉnh đã ban hành 70 nghị quyết chuyên đề, hầu hết là nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội các vùng, khu vực, ngành, lĩnh vực, về chế độ chính sách như: chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; phát triển vùng biên giới, vùng tái định cư các công trình thủy điện; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo... 

Để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, ngay từ khâu soạn thảo, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban, Văn phòng HĐND tỉnh theo sát, tham dự và tham gia ý kiến vào dự thảo tại các cuộc họp của UBND tỉnh, các ngành; tổ chức khảo sát, nắm tình hình đối với đối tượng chịu sự tác động của chính sách, do đó các nghị quyết ban hành luôn đảm bảo chất lượng, đúng quy định và phù hợp với thực tế địa phương. 

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang: 

Qua 10 kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành 147 nghị quyết. Nhóm nghị quyết về tài chính, tiền tệ, tín dụng, chế độ, chính sách đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch các nhiệm vụ chi của từng ngành, địa phương, đơn vị theo quy định, tăng cường tính chủ động trong quản lý điều hành ngân sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước. 

Nhóm nghị quyết về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp trong sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhóm nghị quyết về giao chỉ tiêu biên chế góp phần  nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. HĐND đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND. 

HĐND đã trang bị máy tính bảng cho đại biểu, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống gửi, nhận văn bản và điều hành kỳ họp; áp dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành liên thông của tỉnh; thực hiện chữ ký số; xây dựng và vận hành hiệu quả Trang thông tin điện tử, là kênh thông tin chính thống của HĐND tỉnh.

YBĐT (tổng hợp)

Tags Hoạt động nổi bật HĐND các tỉnh Hội nghị Thường trực HĐND trung du miền núi Yên Bái

Các tin khác
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ học môn Tự động hóa

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức được 23 cuộc giám sát chuyên đề tại các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan.

Chính sách hỗ trợ trồng dâu nuôi tằm của HĐND tỉnh ban hành đã giúp người dân thêm cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất. (Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy kiểm tra mô hình nuôi tằm tại huyện Trấn Yên).

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 18 - 20/9) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Cử tri phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái phát biểu ý kiến với đại biểu HĐND 3 cấp tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trức Kỳ họp thứ 13 – HĐND tỉnh khóa XVIII.

Yên Bái là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình mới ở cấp tỉnh như Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - UBND tỉnh; 9/9 huyện, thị, thành phố đã thực hiện xong mô hình văn phòng cấp ủy - chính quyền cấp huyện, thị, thành phố, cơ quan thanh tra - kiểm tra, tổ chức - nội vụ, cơ quan giúp việc chung của khối Mặt trận và các đoàn thể bắt đầu từ 1/7/2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục