Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền sau khi ban hành đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.
Quy định nêu cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, các hành vi bị nghiêm cấm cũng như biện pháp xử lý khi vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trong công tác cán bộ. Trong đó, đáng lưu ý, Bộ Chính trị nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị cung cấp tiết lộ hồ sơ nhân sự; để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ...
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn, rất được quan tâm, Đảng luôn có chủ trương phải thực hiện tốt vấn đề này. Tuy nhiên, để triển khai Quy định nói trên cần phải có nhiều biện pháp để đạt hiệu quả thông suốt, mạnh mẽ, kiên quyết, từ trên xuống dưới.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi vấn đề phải minh bạch
Theo ông Vũ Mão, tiếp theo các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội, Chính phủ… cần có các văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện Quy định 205 vì xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi vấn đề phải minh bạch, rõ ràng, thể hiện trên những văn bản của các cơ quan Nhà nước để mọi người đều phải thực hiện.
Khẳng định việc ban hành Quy định 205 là rất cần thiết, song ông Vũ Mão cũng đặt câu hỏi: "Chúng ta có luật về công chức, luật về viên chức, luật về cán bộ, thì những cái đó đã thể hiện được chưa? Nếu thể hiện được phần nào thì chúng ta phải thực hiện tốt cái đó, đồng thời bổ sung thêm những tư tưởng chỉ đạo này để trở thành văn bản chính thống đưa vào thực hiện. Hiện nay chúng ta có rất nhiều văn bản, luật khác nhau, cũng nên hệ thống lại để các cơ quan, tổ chức, các cán bộ lãnh đạo thực hiện được chủ động, minh bạch, rõ ràng và có tính hệ thống, không chồng chéo, không lấn nhau và được thực hiện đầy đủ”.
Dựa trên Quy định này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần xây dựng một chương trình hành động cụ thể bởi "nếu không, nó chỉ nằm trên giấy mà thôi”; đồng thời khẳng định, tiếp theo còn rất nhiều công việc cần làm vì đây mới chỉ là chủ trương. Cần chỉ rõ Quy định này sẽ được thi hành theo pháp luật nào hiện hành. Do đó, các cơ quan Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung Quy định 205, như Quy định liên quan đến luật nào, có cần bổ sung không; việc tổ chức thực hiện, quản lý liên quan thế nào với các cơ quan tư pháp, tòa án, viện kiểm sát…như thế nào?
Tham nhũng, thoái hóa thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền
Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến nay, Đảng ta đã có bước tiến lớn trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của dân. Tuy nhiên, kết quả đó chưa đạt được yêu cầu đề ra cũng như chưa đạt được mong muốn của nhân dân.
"Tham nhũng, thoái hóa, biến chất vẫn thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… tức là vẫn chưa giảm hẳn được”-ông Túc khẳng định.
Đây là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, do đó, ông Nguyễn Túc cho rằng, Quy định này của Bộ Chính trị được ban hành nhằm ngăn chặn, cảnh báo Đại hội Đảng các cấp cần phải quán triệt những tư tưởng, quy định đó, không cho những phần tử thoái hóa, biến chất, những đối tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền lọt vào các cấp ủy đảng. Với Quy định này, các tầng lớp nhân dân, trong đó có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng có quyền tham gia vào quá trình giám sát, qua đó phát hiện, kiến nghị với Đảng xem xét xử lý những trường hợp thực hiện không đúng Quy định.
Còn Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 hy vọng, Quy định 205 có thể góp phần xóa bỏ tư tưởng "Một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Trung tướng Khuất Duy Tiến nêu ví dụ: "Cứ ông là chủ tịch xã thì kéo theo con cháu, họ hàng, anh em. Tương tự, cấp trên cũng vậy. Ngoài ra còn kéo những người bợ đỡ cho mình, đấy là lợi ích nhóm, kéo bè kéo cánh”.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với Quy định 205, Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng cho rằng, Quy định cần được thực hiện triệt để, "trị đến nơi đến chốn”, khi phát hiện cần có các hình thức phê bình, cảnh cáo… thì bộ máy đảng, chính quyền các cấp mới trong sạch và tốt lên. "Không nên để nó kéo dài và trở thành cái xấu của dân tộc mình cũng như ở văn hóa phương Đông”, Trung tướng Tiến khẳng định.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, văn bản lần này đã quy định rất chặt chẽ, cụ thể những nội dung về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là công việc rất cần thiết, là cơ chế góp phần triệt tiêu những mầm mống, yếu tố gây tác hại trong Đảng, chính quyền, tổ chức Nhà nước. Tuy nhiên, theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, một điều quan trọng là phải tăng cường giáo dục ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, "tức là phải tự giác, như thế mới tốt được". Mọi người phải ủng hộ, phải có những người phát hiện, chỉ ra những sai phạm để và kiên quyết xử lý.
(Theo VOV)