Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại châu Âu, ngày 27/9, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương dẫn đầu - đã dự Diễn đàn Kết nối Âu - Á do Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức.
Tham dự diễn đàn có hơn 1.400 lãnh đạo, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, và giới học giả các nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á, trong đó có Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Giăng-cơ), cùng Thủ tướng các nước Nhật Bản, Phần Lan, Croatia…
Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định sự kết nối đã trở thành "ADN của châu Âu", và là yếu tố cần thiết trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, những thách thức chung mà các nước đang phải đối phó, và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Theo ông Juncker, sự kết nối cần phải đảm bảo bền vững về môi trường, tài chính và xã hội, trên cơ sở tôn trọng một trật tự quốc tế đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, và được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực như hệ thống giao thông vận tải, kinh tế số, trao đổi học thuật, thương mại..., trong đó bao gồm cả việc thúc đẩy các hiệp định thương mại thế hệ mới mà EU đã ký với Nhật Bản, Singapore và Việt Nam.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (A-bê Sin-dô) khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế giữa Nhật Bản và EU; cam kết phối hợp với EU thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, toàn diện, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó đảm bảo tính chất tự do và mở cửa đối với các tuyến hàng hải.
Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu cũng đã có các phiên trao đổi về những khía cạnh văn hóa, địa chính trị, kinh tế, tài chính và tiêu chuẩn chung của kết nối. Nhân dịp này, Nhật Bản và EU đã ký thoả thuận đối tác về kết nối bền vững và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhằm thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đạt được sự thống nhất trong các tiêu chuẩn phát triển.
Trong phát biểu chính tại phiên Kết nối về mặt kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực kết nối Âu - Á của EU, cho rằng sáng kiến này mang lại một sự lựa chọn nữa cho các nước châu Á, đồng thời khẳng định sự kết nối này phải đảm bảo tính bền vững, toàn diện và dựa trên luật pháp quốc tế.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng đã giới thiệu về những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 30 năm Đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối kết nối EU với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để khai thác đầy đủ những tiềm năng hợp tác giữa hai bên, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả hai châu lục và trên toàn thế giới.
Để kết nối Âu - Á thành công, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh phải đảm bảo tính thống nhất trong sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và thể chế; đồng thời trong bối cảnh có những hành động đơn phương đang làm xói mòn lòng tin, leo thang căng thẳng, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước khác, hai châu lục cần tăng cường đối thoại, tin cậy lẫn nhau, thống nhất trong nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, và tuân thủ nghiêm túc luật lệ quốc tế. Bài phát biểu của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình được hoan nghênh nhiệt liệt và được nhiều khán giả quan tâm đặt câu hỏi trong phiên thảo luận sau đó.
Bên lề diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehico Nakao (Ta-ke-hi-cô Na-ca-ô). Tại cuộc trao đổi, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những đóng góp của ADB và cá nhân ông Nakao đối với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề nghị ADB tiếp tục quan tâm cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù Việt Nam không còn trong diện hưởng các khoản vay ưu đãi của ADB dành cho các nước kém phát triển.
Ông Takehico Nakao đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong việc nỗ lực cân bằng tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, hợp tác hiệu quả giữa ADB và Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cam kết ADB sẽ tiếp tục cấp các khoản vay với lãi suất phù hợp dành cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng của Đức Peter Altmaier (Pê-tơ An-tơ-mai-ơ). Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, cũng như giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện các Hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU./.
(Theo TTXVN)