Tại Phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời nhiều câu hỏi các đại biểu Quốc hội nêu về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, một số vướng mắc hạn chế trong công tác này và việc chậm ban hành một số văn bản dưới luật.
Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức, thi hành pháp luật được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm. Hiện nay, hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ở các cấp độ này hay cấp độ khác.
Chính phủ đã và đang cố gắng thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong công tác này.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, số liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy từ ngày 1/1/2016 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 44 dự án luật, 11 nghị quyết, 1 pháp lệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 576 nghị định, 144 quy định.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành khoảng 2.400 thông tư và thông tư liên tịch. Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp, các địa phương đã ban hành gần 65.000 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền của địa phương.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 12 luật, bộ luật; 4 nghị quyết; đồng thời cho ý kiến về 9 dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng nhìn vào bức tranh kinh tế-xã hội của các năm vừa qua và đặc biệt là của năm 2019, có thể thấy rõ những gam màu sáng. 12 chỉ tiêu quan trọng của kinh tế-xã hội ước đạt và vượt, thu ngân sách cũng vượt so với kế hoạch.
Trong năm 2019, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng thế giới, chỉ số về chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc, hơn hẳn 14 bậc so với mục tiêu tăng 3 bậc mà Chính phủ đặt ra hồi đầu năm.
Hệ thống pháp luật, dẫu còn vấn đề này vấn đề khác, nhưng có đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào bức tranh kinh tế-xã hội. Sự đóng góp này thầm lặng, khó lượng hóa, đồng thời khi có được kết quả dễ bị lẫn ở trong các lĩnh vực khác; đến khi có vấn đề xảy ra lại trở thành tâm điểm.
Ban hành kịp thời các nghị định còn chậm
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận những hạn chế của ngành tư pháp như các đại biểu nêu lên tại Hội trường. Thời gian qua, một số văn bản pháp luật có vướng mắc. Ví dụ, Báo cáo đánh giá tác động về môi trường có quy định chưa thống nhất trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Việc ban hành văn bản hướng dẫn quy định chi tiết Luật Quy hoạch còn chậm.
Bộ trưởng lý giải: "Phải nhìn nhận rằng, chúng ta phát hiện ra nhưng xử lý chậm do liên quan đến quy trình, nghĩa là chúng ta phải lập đề nghị, đưa vào chương trình rồi trình các cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm trễ có một phần do sự e dè của các cơ quan."
Bộ trưởng đã nêu một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, về mặt chủ quan, các cơ quan trình văn bản pháp luật chưa có sự chủ động. Trách nhiệm này thuộc về các bộ, cơ quan ngang bộ và các chủ thể trình.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng năng lực làm luật của bộ phận pháp chế trong các bộ, ngành, đơn vị còn hạn chế dù đã có cố gắng. Bộ Tư pháp có liên quan trong vấn đề này với vai trò thẩm định.
Về mặt khách quan, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật có nhiều vấn đề khó, hệ thống pháp luật phải thích ứng với những biến chuyển như: thương mại tự do...
Bên cạnh đó, một loạt quy định, các truyền thống pháp luật từ trước đến nay đã không cập nhật được với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ đã ý thức được vấn đề này, đã và đang ban hành nhiều biện pháp.
Sắp tới, theo Bộ trưởng, những việc triển khai ngay là Quốc hội sẽ thảo luận các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời, kiên quyết ban hành kịp thời các nghị định còn chậm. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện tổng kết một số văn bản quan trọng phục vụ văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Chính phủ mong muốn có được một hệ thống văn bản pháp luật có chất lượng hơn, dễ tiếp thu, dễ tiếp cận, giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Sắp tới, Chính phủ sẽ thảo luận một số biện pháp liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(Theo Vietnam+)