Thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, đề cập đến vấn đề văn hóa, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng dù đạt được những thành tựu nhưng xét về tổng thể, văn hóa vẫn chưa được coi trọng, tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước. Trong khi đó, văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề.
"Đối với một đất nước đang trên đà phát triển như nước ta hiện nay, cần coi trọng và tập trung đầu tư nguồn lực cho văn hóa. Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ còn nêu hết sức chung chung, chưa có phân tích sâu và nêu lên những tồn tại trong những năm qua như: vấn đề xuống cấp về đạo đức lối sống đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay”, đại biểu Dương Minh Ánh cho biết.
Cũng theo đại biểu Dương Minh Ánh, hiện nay nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn thấp và hạn chế. Qua báo cáo của Bộ VHTT-DL, nguồn ngân sách dành cho dự án bảo tồn phát huy di sản văn hóa khoảng 76 tỷ đồng/năm và 58 tỷ đồng/năm đối với nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình, di tích cấp quốc gia. Nếu chia bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng/công trình. Ngoài ra, việc quản lý công trình văn hóa cấp quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng, quản lý cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo, làm kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền những vấn đề về Biển Đông mà báo đài đã nêu trong thời gian qua.
"Cần ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách, để tu bổ cho các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, có giải pháp quản lý chặt chẽ, cẩn trọng hơn đối với việc cấp phép, phát hành các tác phẩm điện ảnh, phát hành các ấn phẩm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ ngành và địa phương cần nghiên cứu thật kỹ đánh giá tác động của việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, lưu ý đến các lĩnh vực đặc thù như y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, tránh sắp xếp cơ học, nóng vội duy ý chí”, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị.
Ngày 31/10, tham gia giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. "Chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội...Rõ ràng rằng tất cả những vấn đề đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Bộ trưởng Bộ VHTT-DL cũng chỉ ra rằng, xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Tuy vậy, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị - kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh như Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương 9 khóa XI đã chỉ ra.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường văn hóa lành mạnh thì gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ. Cần đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Bên cạnh đó, phải tăng cường đầu tư xứng đáng cho văn hóa tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực.
"Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, Bác nói "văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện dẫn chứng.
(Theo VOV)