Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả có múi, thôn 4, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên thành lập năm 2017 với 38 thành viên là chi hội nghề nghiệp đầu tiên của tỉnh, của huyện. Sau khi thành lập, Chi hội đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Định kỳ hàng tháng, Chi hội tổ chức sinh hoạt giúp các thành viên trao đổi thông tin về kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả, giá cả, thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên trong Chi hội còn được tham gia tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, cách thức lập dự án sản xuất, kinh doanh, thủ tục vay vốn; quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay.
Anh Hoàng Nhật Vy - Chi hội trưởng chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi nên hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, nâng cao thu nhập cho các hộ. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết để tiêu thụ sản phẩm”.
Hiện tại, Hội Nông dân huyện Lục Yên đã thành lập được 1 chi hội và 18 tổ hội nghề nghiệp với 145 thành viên tham gia. Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện đã xây dựng được những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, giúp người dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, góp phần hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị cho người nông dân.
Chị Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay: "Việc triển khai Đề án 24 đã được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có kế hoạch xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với địa phương. Trong quá trình triển khai, Hội Nông dân huyện còn lồng ghép với thực hiện các phong trào thi đua của Hội như: phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình liên kết, tổ hợp tác”.
3 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có kế hoạch xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với từng địa phương. Để làm được điều đó, Hội đã tích cực tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Đề án; chỉ đạo các huyện, thị, thành hội khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu tham gia các chi, tổ nghề nghiệp của hội viên, nông dân trên địa bàn để xây dựng các chi, tổ phù hợp; 9/9 huyện, thị, thành hội tiến hành khảo sát lựa chọn cơ sở hội điểm để chỉ đạo xây dựng.
Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức 52 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ cho hội viên vay 4 tỷ 319 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ vậy, hiện toàn tỉnh đã thành lập mới được 6 chi hội nghề nghiệp, 38 tổ hội nghề nghiệp với trên 636 thành viên.
Điển hình là Hội Nông dân huyện Lục Yên, Hội Nông dân huyện Văn Yên, các thành viên tham gia với ngành nghề chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi... Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân các cấp bước đầu đã xây dựng được những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, giúp người dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, góp phần hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị cho người nông dân như Tổ hội trồng rau an toàn xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái; Tổ hội trồng và kinh doanh quế hữu cơ, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên; Tổ hội trồng cây ăn quả xã Đại Lịch và xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn...
Theo ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: "Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nhân rộng, phát triển thêm các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về đa dạng hóa các hình thức sản xuất, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Minh Huyền