Nếp sinh hoạt này được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục cho các em về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi học sinh.
Cùng với đó, nhà trường còn đưa dân ca, dân vũ và một số phong tục, tập quán, các lễ hội, môn thể thao truyền thống vào hoạt động giữa giờ và các ngày lễ, tết; thành lập các câu lạc bộ như: khèn; đàn môi, sáo, nhị và tổ chức thi tìm hiểu văn hóa các dân tộc để học sinh được trải nghiệm và có thêm hiểu biết sâu hơn về văn hóa của dân tộc mình.
Thầy Giàng A Của - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Những hoạt động thiết thực mà nhà trường tổ chức để các em học sinh được trực tiếp tham gia đã góp phần nâng cao nhận thức cho các em về việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa của dân tộc, giúp các em trở thành những hạt nhân tích cực trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện nói chung”.
Là người đứng ra thành lập mô hình Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha từ năm 2009, chị Hờ Thị Dê - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha luôn nỗ lực vì sự phát triển của Tổ với quyết tâm gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, đưa các sản phẩm dệt thủ công được làm nên từ những đôi tay khéo léo của chị em thành một thương hiệu sản phẩm độc đáo, được du khách đặc biệt ưa chuộng.
10 năm qua, bằng công tác "dân vận khéo”, chị cũng như các thành viên trong Tổ luôn tích cực tuyên truyền, vận động để các bà, các chị trong xã cùng tham gia vào mô hình nên Tổ thêu dệt hiện luôn duy trì 37 thành viên.
Chị Dê cho biết: "Việc duy trì, phát triển nghề thêu dệt không chỉ tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ mà còn có ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Mông, tăng tính hấp dẫn cho phát triển du lịch địa phương. Do đó, các thành viên trong Tổ đã tích cực tuyên truyền để bà con hiểu rõ về các giá trị văn hóa của dân tộc Mông, từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc truyền lại những giá trị văn hóa lâu đời của người Mông cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy”.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mông đang bị mai một, có một số nét văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mất như: dân ca Mông Đơ, truyện cổ tích Mông, câu đối Mông, cối giã gạo… Vì vậy, thực hiện Đề án "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình "Dân vận khéo” nhằm gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc trưng, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Đồng chí Hảng A Ký - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết: "Huyện đã chỉ đạo mỗi xã thành lập một đội văn nghệ quần chúng với các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc vừa để sẵn sàng tham gia biểu diễn phục vụ, vừa để gìn giữ và phát huy lời ca, tiếng hát của người Mông; hàng năm tổ chức các cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc, các lễ hội truyền thống gắn với ruộng bậc thang; tổ chức các lớp dạy làm khèn, làm sáo cho thế hệ trẻ người Mông vừa để duy trì nghề truyền thống, vừa để tạo ra các sản phẩm đặc trưng của dân tộc giới thiệu đến du khách.
Từ những chủ trương trên cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện nên bản sắc văn hóa của người Mông được phát huy, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang được bảo tồn và phát triển, trở thành "đặc sản” để hấp dẫn và thu hút du khách đến với huyện vùng cao Mù Cang Chải”.
Thanh Chi - Phạm Trường Đức