Một nội dung hiện đang được nhân dân hết sức quan tâm, đó là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Nhiều người cho rằng, lẽ ra phải ban hành luật này sớm hơn.
Đóng góp cùng các đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua luật, trong phiên thảo luận ở hội trường của Kỳ họp thứ 7, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Giàng A Chu đã bày tỏ sự cần thiết phải ban hành Luật này. Đại biểu Giàng A Chu cho rằng, "Uống rượu, bia ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người và có khi làm mất tư cách con người; có những hành vi làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân, cộng đồng và xã hội. Đã đến lúc chúng ta phải có hành lang pháp lý điều chỉnh, quản lý và kiểm soát vấn đề uống rượu, bia trong đời sống xã hội, trong đó, có vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Đại biểu Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái (bên phải) phát biểu thảo luận ở tổ chiều 23/5/2019.
Rõ ràng, ý kiến của đại biểu đã đứng cùng phía tâm tư, nguyện vọng của người dân vì lợi ý chính đáng của cử tri và nhân dân. Cũng trong Kỳ họp thứ 7, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phát biểu tham gia ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Nội dung đề cập đến lĩnh vực khá nhạy cảm, đòi hỏi các đại biểu phải nghiên cứu sâu, có nhiều kinh nghiệm từ thực tế cơ sở mới có thể tham gia ý kiến vào dự luật.
Phát biểu đóng góp xây dựng Luật, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng: "Trong vòng hơn 10 năm, việc lớn đều kiểm toán cả mà sau này chúng ta vẫn phát hiện ra những vi phạm rất lớn, thất thoát rất nhiều thì phải lần lại các đoàn đó để mà xử lý trách nhiệm, chứ không thể chuyển việc, hoặc về hưu rồi an toàn được”.
Liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trong phát biểu tại Hội trường Kỳ họp thứ 8, đại biểu Dương Văn Thống nêu ý kiến: "Tôi tán thành với đường lối, biện pháp giải quyết vấn đề trên biển Đông của Trung ương và Chính phủ từ tháng 7 đến nay. Tôi nói thêm, lịch sử nước ta, thời nào vua tôi đồng lòng, được lòng dân thì nước mạnh, giữ yên đất nước. Đương nhiên, các triều đại như thế xử lý các vấn đề với các nước láng giềng rất khéo léo”.
Liên quan đến những nhu cầu của tỉnh Yên Bái, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm để Yên Bái có thể đẩy nhanh hơn các dự án đã có chủ trương và bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương dự phòng giai đoạn này như dự án công trình cầu Cổ Phúc nối trung tâm huyện Trấn Yên với các xã bên tả ngạn sông Hồng, dự án tuyến nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thị xã Nghĩa Lộ bằng nguồn ADB, dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên - Sơn La (một dự án theo đề nghị cử tri hơn 10 năm nay); dự án đường Khánh Hòa (Lục Yên) với huyện Văn Yên thuộc dự án xây dựng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội huyện nghèo. Đại biểu Giàng A Chu đề nghị tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...
Năm 2019, tất cả các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Yên Bái phát biểu ở tổ hoặc ở hội trường đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào các dự án luật và các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, trước Quốc hội.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Yên Bái đã tham gia: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; cho ý kiến đối với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên...
Tại Kỳ họp 8, đại biểu cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; tham gia Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đại biểu Quốc hội Giàng A Chu - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Ông Đinh Đăng Luận - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, "Các đại biểu đã tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thảo luận, tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội”.
Không chỉ tham gia tích cực tại các kỳ họp, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong năm, đoàn đã tổ chức giám sát 5 chuyên đề (3 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Đồng thời, đoàn đã tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri ở 12 điểm với trên 2.500 cử tri tham dự. Các đại biểu đã tổng hợp hàng chục ý kiến của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và của tỉnh giải quyết và trả lời...
Những hoạt động ấy, đã luôn nhận được sự tin tưởng và trân trọng của người dân và cử tri tỉnh Yên Bái; đồng thời, đánh giá cao sự tham góp của các đại biểu cũng như hoạt động của đoàn tại kỳ họp. Đó chính là động lực để mỗi đại biểu Quốc hội tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó.
Cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, chỉ sau năm tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
|
Quang Tuấn