Trao đổi với báo chí về việc sắp xếp các bộ, ngành ở trung ương, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ đang chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ, ngành. Việc sắp xếp theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách.
Cùng với đó là nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng chỉ đạo, tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới. Chẳng hạn, ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…"Chúng tôi đang được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng kết Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và chuẩn bị xây dựng các phương án Chính phủ của nhiệm kỳ tới 2021-2026” - ông Tân nói và cho biết trong năm 2020, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới.
Đăng ký thí điểm hợp nhất cơ quan Đảng và Nhà nước
Cũng theo ông Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Chính phủ sẽ có văn bản trình Bộ Chính trị xin chủ trương một lần nữa để sớm ban hành hai nghị định sửa đổi Nghị định 24, 37 (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện).
Tinh thần chung, theo người đứng đầu ngành nội vụ, sẽ chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24, 37: Đưa ra khung số lượng cấp phó các đơn vị; quy định về tiêu chí thành lập đối với các sở đặc thù; quy định về tiêu chí thành lập đối với các phòng bên trong các sở.
Đối với việc sắp xếp thí điểm hợp nhất giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan chuyên môn của Nhà nước cũng như việc sáp nhập ba văn phòng thì việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn với nhau sẽ đăng ký làm thí điểm.
Ông Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục gửi văn bản yêu cầu các địa phương tiếp tục đăng ký để trình Chính phủ xây dựng nghị quyết và chọn được tối thiểu là 20% đơn vị hành chính của cấp tỉnh để đăng ký thực hiện thí điểm.
"Tinh thần chung là chúng ta phải làm hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu làm thí điểm mà khả năng thành công khoảng 80%, chúng ta mới làm. Còn thí điểm nhưng sau đó chúng ta hủy đi, làm trở lại thì đó là vấn đề không mong muốn” - ông Tân nói.
15 tỉnh, thành đã đăng ký thí điểm
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31-12-2019, bộ này đã có văn bản lần hai gửi các địa phương về việc đăng ký thí điểm hợp nhất một số sở, ngành.
Tính đến ngày 6-1-2020, cả nước đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm việc sáp nhập, hợp nhất một số sở, ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng.
Cụ thể, đăng ký thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy có hai tỉnh Quảng Ninh và Yên Bái. Đăng ký hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng có hai tỉnh Đắk Nông và Yên Bái. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng đăng ký hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra.
Ngoài ra, một số tỉnh đã thực hiện hợp nhất một số sở, ngành, như Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng. Bạc Liêu hợp nhất Sở VH-TT&DL với Sở TT&TT, Sở Khoa học - Công nghệ và Sở GD&ĐT. Tỉnh Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra.
Đối với cấp huyện, tỉnh Ninh Bình đăng ký hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND thực hiện tại một huyện của tỉnh.
Tỉnh Tiền Giang đăng ký hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ tại sáu huyện; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện tại bốn huyện.
Ngoài ra, có 14 tỉnh đã thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND gồm: An Giang, Điện Biên, Nam Định, Yên Bái, Hải Phòng, Trà Vinh, Hải Dương, Bình Phước, Hà Nam, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Yên, Thái Bình, Hà Giang, triển khai tại 35 huyện.
Quảng Ninh, Điện Biên, Nam Định, Yên Bái, Hải Phòng, Hà Giang thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ tại 32 huyện.
Cạnh đó, Quảng Ninh, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện tại 30 huyện.
Lạng Sơn sáp nhập Phòng Dân tộc với Phòng LĐ-TB&XH tại bốn huyện; Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La sáp nhập Phòng Y tế với Văn phòng HĐND và UBND tại 14 huyện.
Tỉnh Bắc Kạn, Quảng Ninh sáp nhập Phòng Dân tộc với Văn phòng HĐND và UBND tại năm huyện.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong cả hệ thống chính trị nói chung và sắp xếp các sở, ngành nói riêng đều nhằm đạt mục tiêu của Đảng đề ra tại Nghị quyết số 18 là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
(Theo PLO)