Bằng sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, Yên Bái đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2019. Trước thềm xuân mới Canh Tý 2020, đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Yên Bái cuộc trao đổi về nội dung này.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái năm 2019?
Đồng chí Đỗ Đức Duy: Quán triệt chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng an ninh, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh bằng Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh. Trong đó, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu trong Chương trình 144 của Tỉnh ủy và Chương trình 01 của UBND tỉnh thành chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, gắn với phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 30/32 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.
Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,03%, cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa đạt mức tăng trưởng rất cao từ 24%-30% so với năm 2018; tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; đặc biệt, ấn tượng nhất là tổng thu ngân sách địa phương lần đầu tiên đạt trên 3.500 tỷ đồng.
Với việc tập trung hỗ trợ các dự án phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị và Đề án "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đồng thời với việc quyết liệt ngăn ngừa, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã đưa Yên Bái thuộc vào nhóm các địa phương dẫn đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp (tăng 4,75%).
Năm 2019, cũng đánh dấu bước tiến vượt bậc về xây dựng nông thôn mới khi toàn tỉnh có thêm 23 xã được công nhận xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 69 xã, bằng 2,7 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là việc huyện Trấn Yên trở thành huyện đầu tiên của các tỉnh khu vực Tây Bắc được công nhận đạt chuẩn quốc gia huyện nông thôn mới.
Văn hóa, xã hội phát triển khá toàn diện, chất lượng, hiệu quả giáo dục nhất là giáo dục vùng cao được đẩy mạnh, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chăm lo, đặc biệt công tác giảm nghèo đạt kết quả rất tích cực với tỷ lệ giảm hộ nghèo giảm sâu ở mức 6,12%. Tiềm năng, thế mạnh về du lịch được tập trung khai thác theo hướng chuyên nghiệp, bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, với trên 727.000 lượt khách du lịch (tăng 29,82%) doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 434 tỷ đồng (tăng 30,3%).
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở triển khai quyết liệt. Với việc đưa bộ phận Phục vụ hành chính công của 9 huyện, thị, thành phố và 180 xã, phường, thị trấn vận hành đồng bộ, liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh kể từ ngày 1/4/2019, đã tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn cũng như mức độ hài lòng của doanh nghiệp, người dân đạt trên 99,9%.
Cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm, chúng ta đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, uy tín như Alphanam, TH, Euro Window, APEC, TNG… triển khai các dự án lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, bất động sản, hạ tầng. Bên cạnh đó các mô hình kinh tế tập thể, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản cũng phát triển tích cực so với 2018. Đây là sự khởi đầu đầy hứa hẹn trên hành trình chinh phục mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
P.V: Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí, sáng tạo, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Xin đồng chí cho biết các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt được những kết quả này?
Đồng chí Đỗ Đức Duy: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, UBND tỉnh đã bám sát và cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Chương trình 144 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh, bao gồm: tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá trong phát triển KT - XH của tỉnh; cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện; đẩy mạnh tìm kiếm, huy động, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn vốn của doanh nghiệp và nguồn lực trong nhân dân để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH; thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, nuôi dưỡng các nguồn thu để tăng thu ngân sách, kết hợp với đổi mới phương thức giao dự toán và quản lý thu chi ngân sách; nỗ lực xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân...
Đặc biệt, việc ban hành và thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh, thực sự là bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm phát triển KT - XH theo hướng "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, rõ người, rõ việc, lượng hóa sản phẩm đầu ra đối với tất cả cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.
Cùng với đó, thông qua các chương trình "Cà phê doanh nhân”, hay mô hình "Ngày thứ Bảy cùng doanh nghiệp và người dân”, đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai, vận hành các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, phát huy tối đa công suất, góp phần tích cực phát triển KT - XH trên địa bàn.
P.V: Là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển KT - XH, vậy đồng chí có thể cho biết, những chủ trương, kế hoạch thu hút đầu tư phát triển KT - XH và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2020?
Đồng chí Đỗ Đức Duy: Xác định chủ đề của năm là "Đẩy mạnh ba đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp" gắn với phương châm hành động "Tiếp tục đổi mới, tăng tốc, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”; tiếp nối thành công và bài học kinh nghiệm của năm 2019, trong năm 2020, với Chương trình hành động số 190, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương như sau:
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, cơ bản hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH.
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa và con người Yên Bái "thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng và phát huy hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng chất lượng, hiệu quả văn hóa, xã hội.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các rào cản, các nút thắt ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; xây dựng văn hóa công sở trong toàn hệ thống chính trị "Chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính” theo Kế hoạch thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị các cấp, nhất là các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển văn hóa, con người Yên Bái trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2030.
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động.
Triển khai tốt các hoạt động đối ngoại, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Yên Bái với một số địa phương của Lào, Pháp và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký kết với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và thành phố Mimasaka, Nhật Bản; chuẩn bị tốt các điều kiện cho Hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Tây Bắc tại tỉnh Yên Bái năm 2020. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH và bảo đảm an toàn cho đời sống nhân dân. Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tỉnh sẽ chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Hương (Thực hiện)