Theo đề án của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng (gọi chung là 6 tỉnh, thành phố); tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban TVQH đã xem xét, thông qua nội dung sắp xếp 2 ĐVHC cấp huyện và 76 ĐVHC cấp xã của tỉnh Cao Bằng. Riêng đối với việc sắp xếp 4 ĐVHC cấp huyện còn lại (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên), Ủy ban TVQH đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án để trình Ủy ban TVQH xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 42.
Căn cứ ý kiến của Ủy ban TVQH, Tỉnh ủy Cao Bằng đã có Văn bản số 2263-CV/TU ngày 17-1-2020 báo cáo giải trình để làm rõ thêm các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn các huyện thực hiện sắp xếp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng tiếp tục kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban TVQH xem xét, quyết định việc sắp xếp đối với 4 ĐVHC cấp huyện còn lại.
Theo trình tự, thủ tục và nội dung hồ sơ đề án, hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị của 6 tỉnh, thành phố đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Đề án của các tỉnh, thành phố đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Trong đó, mặc dù Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban TVQH quy định chậm nhất 5 năm sau sắp xếp thì số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế cán bộ, công chức tại các ĐVHC mới phải bảo đảm theo quy định.
Tuy nhiên, đề án của các tỉnh, thành phố đều phấn đấu việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư sẽ hoàn thành trước năm 2022.
Về việc nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh, nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng: Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Tỉnh ủy Cao Bằng, Chính phủ đã có báo cáo số 39/BC-CP ngày 1-2-2020 trình Ủy ban TVQH để giải trình thêm phương án nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.
Theo ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ, các bộ có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biên giới (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường) cũng nhất trí với phương án nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban TVQH xem xét, quyết định việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nêu trên của tỉnh Cao Bằng để sớm ổn định về tư tưởng của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, có thời gian tập trung chỉ đạo phương án bố trí nhân sự tại các ĐVHC mới được thành lập, tạo thuận lợi cho hệ thống chính trị tại các ĐVHC mới đi vào hoạt động có hiệu quả và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
"Quá trình xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nêu trên, tỉnh Cao Bằng, Chính phủ cũng đã xem xét thấu đáo các yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; cử tri trên địa bàn các huyện nhất trí cao các phương án sắp xếp (tỷ lệ đồng ý đạt 94,94%)”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Thẩm tra các đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh, thành phố trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh, thành phố này sẽ giảm được tổng số 2 ĐVHC cấp huyện và 44 ĐVHC cấp xã.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại phiên họp này, TVQH cần làm rõ việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp ĐVHC như thế có đúng quy trình hay không, có dân chủ không, nhân dân đồng thuận không? Ngoài những tiêu chí như diện tích, dân số, quốc phòng, an ninh như thế nào, sau khi sáp nhập thì đời sống kinh tế - xã hội ra sao; tình cảm, tâm tư của nhân dân như thế nào? Đây là cơ sở để TVQH xem xét trước khi thông qua Nghị quyết về việc xem xét, quyết định việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu làm rõ thêm đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện và xã của tỉnh Cao Bằng, ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy cho biết, việc sáp nhập các ĐVHC lại đương nhiên có nhiều băn khoăn như việc dôi dư cán bộ, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, giao thông đi lại như thế nào; việc sáp nhập có người tăng chức, có người xuống chức, đang ở gần thì giờ lại đi xa...
"Thực hiện đề án của Chính phủ, Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã đưa ra các kịch bản trong sắp xếp ĐVHC. Việc sáp nhập tuy khó khăn nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên người dân đồng thuận cao. Vẫn biết đây là việc làm nhạy cảm nhưng đã có trên 90% cử tri Cao Bằng đồng thuận về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã. Về quốc phòng, an ninh, quan điểm của tỉnh là bảo vệ Tổ quốc từ xa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và nhân dân Cao Bằng. Hiện nay, khu vực an ninh biên giới của Cao Bằng ổn định, đời sống nhân dân đang phát triển đi lên”, ông Lại Xuân Môn nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, riêng tỉnh Cao Bằng có 2 ý kiến băn khoăn là việc bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quá trình sắp xếp ĐVHC sẽ như thế nào.
"Tôi khẳng định, đến nay, quốc phòng, an ninh biên giới của Cao Bằng rất ổn định, vững mạnh, mối quan hệ 2 bên biên giới giữa ta và bạn có chiều hướng tốt đẹp. Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi lại tốt hơn. Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã sẽ tạo cơ hội, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng đi lên. Đề nghị Ủy ban TVQH nhất trí ra Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC của tỉnh Cao Bằng”, ông Võ Trọng Việt đề nghị.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc sắp xếp các ĐVHC các tỉnh đều thận trọng, công khai dân chủ, minh bạch trong việc lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi Ủy ban TVQH đồng ý, ra Nghị quyết về việc sắp xếp lại các ĐVHC cấp huyện, xã; các tỉnh, thành phải tiếp tục làm công tác dân vận, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, ý kiến người dân. Tập trung xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
"Đến nay, Cao Bằng đã có một số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau khi sắp xếp lại ĐVHC cấp huyện, xã, tỉnh Cao Bằng cần chú ý đến phát triển sản xuất, thu nhập của nhân dân, chú ý khu vực phòng thủ quốc phòng, an ninh ở các huyện”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở với tỉnh Cao Bằng.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, TVQH đánh giá cao quyết tâm chính trị, cách làm bài bản trong việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn một ở 44 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Chính quyền và nhân dân các tỉnh, huyện, xã nhanh chóng triển khai Nghị quyết của TVQH sau khi sắp xếp ĐVHC, tập trung củng cố, chuẩn bị đại hội đảng các cấp; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, củng cố bảo đảm QPAN. Chú ý thực hiện tốt đời sống của cán bộ, nhân dân ở các ĐVHC cấp huyện, xã sau khi sắp xếp.
Tại phiên họp này, Ủy ban TVQH đã biểu quyết sắp xếp ĐVHC cấp xã của 6 tỉnh, thành phố với tỷ lệ ủng hộ đạt 100%; biểu quyết việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện của tỉnh Cao Bằng với tỷ lệ ủng hộ đạt 100%.
Theo đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã của tỉnh Cao Bằng đợt này có việc sáp nhập 6 huyện thành 3 huyện gồm: Huyện Thông Nông và Hà Quảng sáp nhập lại thành 1 huyện; Trà Lĩnh và Trùng Khánh thành 1 huyện; Quảng Uyên và Phục Hòa thành 1 huyện.
(Theo HNMO)