Nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, chiều 26/6, diễn ra Phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu. Lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Thư ký Điều hành ESCAP Armida Sasiah Alisjahbana tham dự phiên họp.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước phồn vinh. Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội và những ngày qua với sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Tuy vậy, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ. Phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là những nguy cơ đối với nhiều người phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp.
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các cam kết, chương trình, kế hoạch tổng thể, gắn kết các cơ chế về phụ nữ, thiết thực hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Thủ tướng mong muốn, Phiên họp đặc biệt sẽ gợi mở những định hướng quan trọng để phụ nữ ASEAN có thể đóng góp sâu rộng, hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như tham gia tích cực vào các nỗ lực đảm bảo hoà bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm trên bình diện toàn cầu.
Dưới góc nhìn của mình, Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi cho rằng, dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em vì họ cũng là lực lượng tuyến đầu trên mặt trận y tế và hoạt động xã hội. Trong bối cảnh kỷ nguyên số và công nghệ bùng nổ, phụ nữ và trẻ em đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau thời kỳ hậu Covid-19. Phiên họp đặc biệt này không chỉ tái khẳng định cam kết của ASEAN để thực hiện hóa bình đẳng giới cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong kỷ nguyên số.
Ông Lim Jock Hoi cho rằng, để các kế hoạch tăng quyền bình đẳng cho phụ nữ thành công, cần phải có sự thay đổi tích cực cả trong suy nghĩ lẫn hành vi. Sự tham gia của cả nam giới và trẻ em trai là rất quan trọng trong việc cải thiện vị thế của phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền lợi của họ trong toàn bộ các lĩnh vực xã hội.
Theo ông Lim Jock Hoi, để sẵn sàng cho kỷ nguyên số, ASEAN sẽ hợp tác để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tăng cường các chính sách về kỹ năng, sáng tạo và kết nối số. Bình đẳng giới không chỉ là một lý tưởng chuẩn mực, mà còn là một thành phần thiết yếu của sự phát triển và thịnh vượng kinh tế. Đó là nguyên tắc và cần hành động trên thực tế. Theo đó cần có sự hợp tác chiến lược để tạo ra những thay đổi lâu dài trong cuộc sống của tất cả phụ nữ và trẻ em gái. ASEAN cam kết sẽ đưa ra hành động cụ thể để tăng cường bình đẳng giới trên tất cả các trụ cột của ASEAN.
Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cùng với những hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và 5 năm triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), việc tổ chức Phiên họp cho thấy cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Thế giới và nhân loại đang trải qua những thời khắc khó khăn khi Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội đối với tất cả các quốc gia. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có khả năng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và nhất là công nghệ số của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu những khó khăn, thách thức mới, trong đó khoảng cách bất lợi về giới trong thời đại số ngày càng gia tăng; lao động thủ công mà đa số là lao động nữ có thể bị thay thế bằng tự động hóa, đồng thời với việc nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ số.
Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Phiên họp là "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn".
Trên thế giới, hiện nay đã có 20 nữ lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, có 20,5% Chủ tịch Quốc hội là nữ. Các nước Đông Nam Á có 3 Chủ tịch Quốc hội là nữ ở các nước: Lào, Indonesia và Việt Nam. Hiện cũng đang có một đội ngũ đông đảo nữ giới với vai trò là các chính khách, doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu trên thế giới, đây là xu hướng tiến bộ cần phải thúc đẩy và tiếp tục phát huy.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó đều hiến định: "Nam, nữ bình quyền”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao, trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật, triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này.
Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã ấn định tỷ lệ nữ tối thiểu là ứng cử viên đại biểu dân cử, nhờ vậy mà Quốc hội Khóa XIV đương nhiệm đã có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng nhận thấy ASEAN đã luôn nỗ lực thúc đẩy các chương trình bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động trong khuôn khổ chính thức của ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong rằng, ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, điều đó phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới. Đặc biệt, ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã có 5 đề xuất gửi tới các Chính phủ ASEAN và các đối tác như: cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và nâng cao vị thế đối với phụ nữ, tạo thuận lợi để tất cả phụ nữ và trẻ em gái không chỉ tiếp cận mà còn được hưởng lợi thực chất từ các cơ hội do công nghệ số và hội nhập quốc tế mang lại, từ đó tăng cường sự tham gia và cơ hội phát triển đối với phụ nữ.
Cần phát huy vai trò của các cơ quan đại biểu dân cử trong việc tham gia ý kiến, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của cử tri nữ, trẻ em gái để có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện và xóa bỏ những rào cản để nữ giới có thể tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt của nam giới trong việc hỗ trợ nữ giới cả công việc gia đình cũng như tại nơi làm việc; tiếp tục thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới, xoá bỏ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em để bảo đảm tất cả phụ nữ, trẻ em gái đều được tôn trọng, bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Phát huy cơ chế Nữ nghị sỹ AIPA, thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm nữ nghị sỹ trong các nghị viện thành viên ASEAN và tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới cũng như trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, trong ASEAN, cần thúc đẩy cách tiếp cận đồng thời cả khía cạnh bình đẳng giới và công nghệ số trong phạm vi toàn khu vực, đẩy mạnh hợp tác và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khu vực, quốc tế khác trong lĩnh vực này, thông qua các khuôn khổ của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN, Ủy ban Phụ nữ ASEAN và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia, cộng đồng xã hội.
Đồng thời, để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ, đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Công nghệ số có thể là cầu nối thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại số.
"Lãnh đạo các Chính phủ của ASEAN tiếp tục là những hình mẫu thể hiện vai trò cá nhân và chính trị, dẫn dắt và nêu gương trong việc quan tâm thực chất đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới cho tất cả mọi người dân, cộng đồng xã hội trong khu vực và trên toàn cầu. Thay mặt Quốc hội Việt Nam và phụ nữ Việt Nam, xin chúc các Chính phủ ASEAN thành công trong công tác quan trọng này và xin khẳng định chúng tôi sẽ luôn đồng hành, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm trong vấn đề này" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
(Theo VOV)