Đón niềm vui trọng đại ấy trong cảnh thái bình, no ấm hôm nay, với lòng kính yêu vô hạn, chúng ta vô cùng biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Vị Cha già kính yêu của dân tộc, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lúc sinh thời đã dành cho Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái những tình cảm yêu thương cùng sự quan tâm vô cùng đặc biệt.
120 năm qua, nhất là 90 năm có Đảng, 75 năm trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn khắc ghi lời dạy dỗ ân cần của Người, đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, năng động, sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, cùng quân, dân cả nước giành được những thắng lợi to lớn trong các cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, đất nước.
Chúng ta mãi biết ơn các chí sỹ yêu nước, các cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, các anh hùng, liệt sĩ đã chở che, đùm bọc, giúp đỡ và đi theo cách mạng từ những ngày còn trứng nước. Chúng ta trân trọng biết ơn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, các gia đình có công với nước và lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân đã phấn đấu gian khổ, hy sinh quên mình, cống hiến xương máu, sức lực, trí tuệ trong suốt 120 năm qua cho Yên Bái có một cơ đồ tươi đẹp như ngày hôm nay. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã luôn quan tâm, động viên, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành với Yên Bái suốt chặng đường xây dựng, phấn đấu và trưởng thành.
Trở lại những năm tháng hào hùng suốt hành trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành - kể từ ngày 11/4/1900, khi thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái (gồm phủ Trấn Yên, 2 châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái), nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo, nỗ lực vượt khó và không ngừng đổi mới trong lao động sản xuất cùng cả nước viết nên những trang vàng chói lọi của pho lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng. Phong trào ấy, ý chí ấy của Yên Bái được nhen nhóm, được khởi nguồn khi Cuộc khởi nghĩa của tổ chức yêu nước Việt Nam quốc dân Đảng do chí sĩ Nguyễn Thái Học lãnh đạo đầu những năm 1930 như ngọn cờ tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một dân tộc "quyết hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".
Và, bài học "Không thành công cũng thành nhân” của các chí sĩ yêu nước đã thôi thúc, khích lệ tinh thần xả thân vì đất nước, vì quê hương của biết bao thế hệ lớp lớp cha anh năm xưa cùng con cháu hôm nay đã và đang sống trên quê hương Yên Bái anh hùng khi được Đảng chỉ lối, soi đường. Trong lòng mỗi người con của quê hương Yên Bái hôm nay, thật khó có thể quên được những năm 30 của thế kỷ 20 khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng khắp nơi trong cả nước đã có tác động mạnh mẽ, lan tỏa đến suy nghĩ, ý chí và hành động của mỗi người dân Yên Bái, giúp đồng bào các dân tộc khắp các châu trong tỉnh tập hợp, đoàn kết một lòng đi theo cách mạng. Được cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ tuyên truyền, giác ngộ, từ một số cơ sở ban đầu xây dựng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái, năm 1945 nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng, phát triển ở khắp các huyện trong tỉnh với sự tham gia tích cực, sôi nổi và quyết tâm cao của đồng bào các dân tộc Yên Bái. Khí thế cách mạng ấy càng dâng cao hơn sau ngày Nhật đảo chính Pháp và như một quy luật tất yếu của lịch sử, Đảng bộ tỉnh Yên Bái hôm nay - ngày 7/5/1945, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh đã được thành lập tại thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) với 3 đảng viên có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng ở thị xã.
Từ "đốm lửa hồng” ban đầu ấy, chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Yên Bái đã được thổi bùng, lan rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Khí thế cách mạng dâng cao, ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước, giành chính quyền về tay nhân dân hừng hực trong bầu nhiệt huyết của mỗi người dân là điều kiện chín muồi để Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định chọn ngày 30/6/1945 thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư ngay tại đình Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ hôm nay).
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại và nổi bật nhất trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nửa đầu thế kỷ 20, đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái suốt 120 năm qua. Ngay sau khi được thành lập, trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, Ban Cán sự Đảng đã đề ra 3 chủ trương tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái, giúp Yên Bái vinh dự, tự hào là một trong những địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ nữ cơ sở vùng cao của tỉnh về công tác phát triển đảng viên nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa Nhà Kèn (nay là Sân vận động thành phố Yên Bái), Ban Cán sự Đảng đã tổ chức cuộc mít tinh, ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái trước sự vui mừng, phấn khởi đến khôn tả của gần một vạn quần chúng nhân dân. Tháng 9 năm 1945, Trung ương quyết định giải thể Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ và chính thức thành lập Tỉnh ủy Yên Bái.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người dẫn đầu phái đoàn của Đảng và Chính phủ thăm Yên Bái (ngày 25/9/1958), Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ra sức thi đua, xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm cùng cả nước tiến hành cuộc cách mạng kháng chiến, kiến quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho tuyền tuyến lớn miền Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng ngàn người con Yên Bái quả cảm, kiên cường đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân năm 1975 cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do, non sông thu về một mối.
Bước vào giai đoạn xây dựng, kiến thiết đất nước, đặc biệt sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ một tỉnh còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; kinh tế chậm phát triển, chủ yếu "tự cung, tự cấp", đời sống nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu, song Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tiềm năng lợi thế của tỉnh, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đến hôm nay, trải qua 18 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII, Yên Bái đã vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn để trở thành một trong số những tỉnh phát triển năng động, bền vững, hài hòa, ổn định và có bản sắc trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững trên cả 3 trụ cột: nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ thương mại. Thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh (bình quân khoảng 22%/năm), tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững ở vùng cao và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực gắn với XDNTM ở vùng thấp.
Do đó, dù Trạm Tấu và Mù Cang Chải đang là 2/61 huyện nghèo của cả nước, 81 xã và 177 thôn, bản của Yên Bái vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn, song Yên Bái đã nâng mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên trên 32 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015; XDNTM thực sự trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Bắc chỉ trong 5 năm với 32% ngân sách Nhà nước trong tổng số 24.600 tỷ đồng đầu tư XDNTM.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có thêm 70 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã toàn tỉnh cùng 2 địa phương là thành phố Yên Bái hoàn thành mục tiêu XDNTM và huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM. Môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện: sau 4 năm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 19 bậc (xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố), chỉ số cải cách hành chính Par Index tăng 22 bậc (xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố), góp phần quan trọng tạo niềm tin để tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược và phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, hợp tác xã, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch với một số sự kiện, điểm đến đã có chỗ đứng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Trong đó, có nhiều sản phẩm du lịch bản sắc, độc đáo, riêng có (Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; lễ hội đền Đông Cuông, du lịch hồ Thác Bà, du lịch Suối Giàng, khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, suối nước nóng Trạm Tấu, các sản phẩm du lịch cộng đồng, home stay...) đã đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, NTM, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 2 cây cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; hoàn thành 11/19 dự án trọng điểm
Mở rộng mạng lưới truyền tải điện đến gần 92% số thôn, bản trong toàn tỉnh; 100% các xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; 100% các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ Internet; 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối Internet tốc độ cao... góp phần đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra diện mạo mới, khang trang, tươi đẹp từ thành thị đến nông thôn cho mảnh đất vùng cao Yên Bái.
Cùng với sự đi lên của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc cũng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững qua các năm; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 4,93%/năm (cao hơn 0,93% so với giai đoạn trước), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% năm 2016, xuống còn khoảng trên 7% năm 2020. Quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, phát huy sức mạnh toàn xã hội chung tay không để ai bị bỏ lại phía sau. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng gần 3.600 nhà cho 100% người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; thực hiện bảo trợ và trợ giúp xã hội cho 100% đối tượng chính sách; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế; chủ động khắc phục nhanh chóng, kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh sớm ổn định cuộc sống của nhân dân.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng, hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm sau cao hơn năm trước; trong đó, năm 2019, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có học sinh đạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic quốc tế; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 96%; Yên Bái là địa phương đi đầu trong sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú, góp phần đưa tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú, bán trú chiếm gần 40%, giúp con em đồng bào dân tộc vùng cao có điều kiện tốt hơn trong học tập văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống. Chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của nhân dân ngày càng được nâng lên, nhiều kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật khó đã được chuyển giao và thực hiện thành công.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 75% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế, đạt 32,9 giường bệnh/1 vạn dân và 10,1 bác sỹ/1 vạn dân, cao hơn bình quân chung cả nước; y tế dự phòng được đẩy mạnh, công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã chủ động, kịp thời thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống, không để dịch Covid - 19 xâm nhập vào địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ; phương thức và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng được đổi mới và ngày càng hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương dần trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên.
Việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, sự phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường, bảo đảm kỷ cương trong Đảng.
Công tác dân vận của hệ thống chính trị và vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được đẩy mạnh, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, tạo sức mạnh để Đảng bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra. Từ một chi bộ ban đầu với chỉ 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái ngày càng lớn mạnh với gần 5,8 vạn đảng viên, 100% thôn, bản, tổ dân phố đều có chi bộ. Trong quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đủ sức lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà các thời kỳ cách mạng đặt ra.
Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đạt được 120 năm qua, nhất là 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, sức lực, bản lĩnh và ý chí của các thế hệ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân các dân tộc Yên Bái anh dũng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động.
Là sự cống hiến to lớn của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước luôn một lòng, một dạ sắt son với Đảng, kiên định tuyệt đối, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của quê hương, đất nước, không quản ngại hy sinh, gian khổ, đem hết sức lực, trí tuệ, cả mồ hôi, nước mắt và xương máu hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của quê hương Yên Bái. Nhìn lại chặng đường 120 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành và 75 năm từ khi Đảng bộ tỉnh khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN để kỳ vọng, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, một giai đoạn phát triển mới hứa hẹn tiếp nối những thành công.
"Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay!" - Lời động viên, khen ngợi đó của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm, làm việc và ra quân hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đầu Xuân 2019 là sự khẳng định, ghi nhận, biểu dương của Đảng, Nhà nước trước những thành tựu to lớn, hiện hữu từ sự nỗ lực vượt bậc, quyết tâm, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ để chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cùng nhau xây đắp cho cơ đồ ấy ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn; quyết tâm đưa quê hương Yên Bái thân yêu ngày càng phát triển toàn diện, bền vững theo hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, sớm trở thành tỉnh phát triển khá và phấn đấu vươn lên nhóm các tỉnh hàng đầu trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Qua đó, giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh có được cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, xứng đáng với mong mỏi và kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu đối với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.
Phạm Thị Thanh Trà
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh