1. Giai đoạn 1930 - 6/1945
Công tác tuyên giáo giai đoạn này được triển khai thực hiện thông qua các cán bộ của Đảng được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ cử đến địa phương tuyên truyền phát triển ảnh hưởng của Đảng tiến tới xây dựng các cơ sở cách mạng, thành lập Ban Cán sự Đảng Phú - Yên, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
2. Giai đoạn 1945 - 1954
Từ tháng 6/1945-8/1945: đồng chí Ngô Minh Loan, Trưởng ban Cán sự Đảng Phú - Yên trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện.
Từ 8/1945-11/1945: đồng chí Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Yên Bái kiêm trưởng phòng thông tin trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền, cổ động.
Từ tháng 11/1945-8/1946: tháng 9/1945, tách Ban Cán sự Đảng Phú - Yên thành lập Tỉnh ủy Yên Bái. Sau khi đồng chí Nguyễn Phúc bị địch bắt và thủ tiêu, Tỉnh ủy phân công đồng chí Lê Bá Khoa phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động huấn luyện của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Từ tháng 8/1946-10/1946: đồng chí Nguyễn Chấn, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động, huấn luyện của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Từ 10/1946-12/1947: để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang lan rộng ra toàn tỉnh, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo trực tiếp sâu sát tới từng cơ sở; đồng thời, đề cao tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo của các địa phương. Theo chủ trương đó, ở cấp tỉnh sẽ thành lập các ban tham mưu (Ban Tuyên huấn, Ban Tổ kiểm, Ban Dân vận). Ở cấp huyện sẽ thành lập các huyện ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Ngày 22/4/1947, Ban Tuyên huấn chính thức được thành lập. Đồng chí Tư Lan, Tỉnh ủy viên phụ trách dân vận kiêm phụ trách công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh.
Từ 12/1947-7/1949: Ban Tuyên huấn tiếp tục được kiện toàn củng cố, chính thức có văn phòng riêng và các cán bộ chuyên môn (tuyên truyền, cổ động, huấn luyện). Đồng chí Nguyễn Thành Đô, Tỉnh ủy viên, được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.
Tháng 4/1950, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Huấn học và Ban Tuyên truyền cổ động trên cơ sở chia tách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Ban Huấn học do đồng chí Lê Văn Kim làm Trưởng ban với nhiệm vụ biên soạn chương trình vừa tổ chức giảng dạy, mở các lớp huấn luyện từ tỉnh đến cơ sở. Ban Tuyên truyền cổ động do đồng chí Tô Lưu làm Trưởng ban với nhiệm vụ tổ chức nhận tin, biên tập tin, thông tin cổ động thông qua diễn thuyết, băng, cờ, khẩu hiệu, ca kịch, khai hội…
Ngày 20/2/1951, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 33 thành lập Ban Tuyên văn giáo huấn tỉnh. Đồng chí Vũ Thu, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Ngọc Cừ, Tỉnh ủy viên làm Phó Trưởng ban. Ban Tuyên văn giáo huấn tỉnh hoạt động theo quy chế Ủy ban, có các bộ phận: tuyên truyền, cổ động, huấn học, giáo dục, văn hóa văn nghệ… do các Ủy viên Ban Tuyên văn giáo huấn phụ trách.
- Ngày 24/9/1952, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 134 do đồng chí Vũ Thu, Bí thư Tỉnh ủy ký về việc tái lập Ban Tuyên huấn trên cơ sở giải thể và tách ra từ Ban Tuyên văn giáo huấn tỉnh.
3. Giai đoạn 1975 - 1991
Tháng 4/1975, Ban Tuyên huấn đổi tên thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ngày 17/1/1976, sau khi hợp nhất tỉnh Hoàng Liên Sơn Ban Tuyên giáo đổi thành Ban Tuyên huấn tỉnh.
Ngày 7/11/1979, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ban hành Nghị quyết số 824 sáp nhập Ban Khoa giáo tỉnh vào Ban Tuyên huấn tỉnh và lấy tên là Ban Tuyên giáo tỉnh.
Ngày 12/1/1980, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ban hành Nghị quyết số 55 về việc sáp nhập Ban Nghiên cứu lịch sử Tỉnh ủy vào Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ban Tuyên giáo có các bộ phận: Tuyên truyền, Huấn Học, Khoa giáo, Lịch sử Đảng và Văn phòng giúp việc.
4. Giai đoạn từ 1991 đến nay
Ngày 1/10/1991: Chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái được tái lập gồm các bộ phận chuyên môn là Tuyên truyền, Huấn học, Khoa giáo, Lịch sử Đảng và Văn phòng giúp việc. Năm 1996, các bộ phận Tuyên truyền, Huấn học, Khoa giáo, Lịch sử Đảng đổi tên thành phòng.
Năm 2001, tách Phòng tuyên truyền thành 2 đơn vị là Phòng tuyên truyền và Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo. Năm 2012, thành lập Phòng Văn hóa văn nghệ và Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội.
Năm 2019, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, 6 phòng (Tuyên truyền, Giáo dục lý luận chính trị, Khoa giáo, Lịch sử Đảng, Văn hóa văn nghệ, Văn phòng), 2 trung tâm (Thông tin công tác tuyên giáo, Nghiên cứu dư luận xã hội) sáp nhập thành 4 phòng: Tuyên truyền và Thông tin công tác tuyên giáo, Giáo dục lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Khoa giáo và văn hóa văn nghệ, Tổng hợp và nghiên cứu dư luận xã hội.