Hòa trong không khí thi đua sôi nổi cùng cả nước hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2020), tập thể cán bộ, công chức ngành tư pháp Yên Bái đang ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ công tác tư pháp, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 38 năm Ngày thành lập ngành tư pháp Yên Bái.
Ngày 11/12/1982, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn ban hành Quyết định số 908 thành lập Sở Tư pháp tỉnh Hoàng Liên Sơn và điều động đồng chí Dương Quý Mậu lúc đó là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn sang giữ chức Giám đốc Sở Tư pháp.
Tháng 11 năm 1987, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hoàng Liên Sơn là một trong 5 tỉnh của toàn quốc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức rút gọn sở tư pháp thành một bộ phận trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Tháng 10/1989, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn ban hành Quyết định số 473, ngày 29/10/1989 tái thành lập Sở Tư pháp tỉnh Hoàng Liên Sơn và đến tháng 10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều thay đổi về tổ chức, nhiệm vụ của ngành để phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, song chúng ta có quyền tự hào và ý thức hơn về trách nhiệm nặng nề của ngành tư pháp tỉnh Yên Bái trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo trong bối cảnh đổi mới hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Trải qua 38 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp Yên Bái đã nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; từng bước đổi mới, tập trung trí tuệ đáp ứng ngày càng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Thực hiện các nghị định của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 23 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đến nay, hệ thống cơ quan tư pháp đã được củng cố, kiện toàn từ cấp tỉnh đến cơ sở, đảm bảo mọi điều kiện công tác và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy khối văn phòng Sở Tư pháp gồm có 4 phòng tham mưu giúp việc (giảm 4 phòng), 4 đơn vị sự nghiệp (2 phòng Công chứng, 1 Trung tâm Trợ giúp pháp lý, 1 Trung tâm Đấu giá tài sản) với tổng số biên chế được giao là 77 biên chế công chức, viên chức và người lao động.
Trong đó, cán bộ có trình độ chuyên môn thạc sỹ là 7 đồng chí; đại học 57 đồng chí, đội ngũ lãnh đạo Sở và cấp phòng gồm 4 đồng chí Ban Giám đốc và 16 đồng chí trưởng, phó phòng và tương đương.
Cơ quan tư pháp cấp huyện gồm 9 phòng tư pháp huyện, thị, thành phố với tổng số 29 biên chế; trong đó, trình độ đại học Luật là 22 đồng chí, còn lại là đại học chuyên ngành khác. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch ngày càng phát huy hiệu quả vừa quản lý Nhà nước vừa phục vụ hoạt động của nhân dân tại cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh có 244 công chức tư pháp - hộ tịch làm việc trên 173 xã, phường, thị trấn (sau sáp nhập giảm 7 xã); trong đó, trình độ đại học Luật có 153 đồng chí, trung cấp Luật 71 đồng chí, còn lại có trình độ đại học và trung cấp khác.
Đặc biệt, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch của tỉnh đều đã qua bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.389 tổ hòa giải ở cơ sở với 8.835 hòa giải viên hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy vai trò quan trọng góp phần tăng cường sự đoàn kết ở địa bàn dân cư, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp những tháng cuối năm 2020.
Ở bất cứ giai đoạn nào ngành tư pháp Yên Bái cũng có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Cụ thể, trong công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chất lượng ngày càng nâng lên, nhất là việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của địa phương.
Cán bộ tư pháp tỉnh đã rà soát hàng nghìn VBQPPL là nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND; qua đó, đã kiến nghị, đề nghị bãi bỏ hàng trăm VBQPPL hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
Công tác tham gia góp ý xây dựng hệ thống pháp luật được tập trung triển khai có hiệu quả, nhất là các bộ luật, luật có tác động lớn tới đời sống nhân dân như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp…
Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước nhằm kiến nghị những bất cập, hạn chế trong triển khai thực hiện ngày càng được hoàn thiện. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính mặc dù quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, nhưng ngành đã tham mưu có trọng tâm, trọng điểm về công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực nhằm ngăn chặn sự phát sinh, tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các cục, vụ chức năng của Bộ Tư pháp, tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả bước đầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được triển khai có hiệu quả cả bề rộng và chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được kiện toàn đầy đủ; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở chất lượng được nâng lên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Công tác quản lý Nhà nước về hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được quan tâm, đẩy mạnh. Các tổ chức bổ trợ tư pháp như: luật sư, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, đấu giá tài sản… được kiện toàn, củng cố và đi vào hoạt động có hiệu quả. Quản lý hành chính tư pháp được đầu tư và ngày càng hoàn thiện, đã xây dựng được phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm quản lý công chứng và chứng thực, xây dựng cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, thực hiện số hóa sổ hộ tịch… góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các thủ tục hành chính về tư pháp được triển khai tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân.
Với những kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác tư pháp suốt 38 năm qua, hàng trăm đơn vị tập thể, cá nhân cán bộ tư pháp các cấp trong tỉnh đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng huân chương lao động, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Bộ Tư pháp, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp” cùng nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng khác.
Để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp Yên Bái quyết tâm trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao vai trò trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thực hành tự phê bình và phê bình sâu sắc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng.
Tích cực chăm lo xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống cơ quan tư pháp địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ công tác tư pháp có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với cải cách tư pháp; đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” như lời Bác Hồ đã dạy.
Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp